Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được Quốc Hội ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Theo đó, bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đã có những bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện hơn, phù hợp với tình hình và diễn biến của đời sống pháp luật. Ngoài những thay đổi về quy định thủ tục tố tụng thì luật tố tụng hình sự cũng đã có những bổ sung,…
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được Quốc Hội ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Theo đó, bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đã có những bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện hơn, phù hợp với tình hình và diễn biến của đời sống pháp luật. Ngoài những thay đổi về quy định thủ tục tố tụng thì luật tố tụng hình sự cũng đã có những bổ sung, đổi mới quy định về bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, cụ thể như sau:
Thứ nhất:
BL TTHS năm 2015 đã mở rộng diện người được đảm bảo quyền bào chữa. BL TTHS hiện hành đã bổ sung thêm một đối tượng tham gia tố tụng là “ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt” ( điều 58). Vì vậy, ngoài những đối tượng được đảm bảo quyền bào chữa tại BL TTHS 2003 thì tại luật mới đã bổ sung thêm người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và người bị bắt là đối tượng được đảm bảo quyền bào chữa. Theo đó, đối tượng này được quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa.
Thứ hai:
Bộ luật tố tụng hình sự 2003 tuy đã có quy định về người bào chữa nhưng lại chưa xây dựng khái niệm cụ thể. Đến bộ luật tố tụng mới, khái niệm này được cụ thể hóa và luật hóa “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa” ( khoản 1, điều 72). Đồng thời đã bổ sung thêm diện người được tham gia bào chữa là “Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý”. Điều 72 còn quy định thêm về khái niệm bào chữa viên nhân dân “Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình”. Ngoài ra, đối tượng không được bào chữa cũng được bổ sung thêm gồm người tham gia vụ án đó với tư cách là “Người định giá tài sản”, “Người dịch thuật”; Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Thứ ba:
Đổi mới quy định về cấp đăng ký bào chữa (Điều 78). Đặc biệt quy định mới về việc thông báo bào chữa, từ chối bào chữa hoặc hủy bỏ việc đang ký bào chữa cho cơ sở giam, giữ người bị bắt, người bị khởi tố, truy tố. Các Điều 73, Điều 79, Điều 80, Điều 81, Điều 82 – BL TTHS năm 2015 đã bổ sung một số quyền và cơ chế bảo đảm người bào chữa thực hiện tốt các quyền theo quy định của pháp luật.
Thứ tư:
Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng: Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã bổ sung thêm quy định về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng
“Điều 74. Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng
Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.
Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”.
Đặc biệt, để bảo đảm quyền bào chữa, quyền được bảo vệ lợi ích của đương sự, BL TTHS 2015 đã quy định về Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tại điều 83:
“Điều 83. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố
1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là:
a) Luật sư;
b) Bào chữa viên nhân dân;
c) Người đại diện;
d) Trợ giúp viên pháp lý.
3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:
a) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
b) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
c) Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
d) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
đ) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
4. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có nghĩa vụ:
a) Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án;
b) Giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.
Với những quy định chi tiết, sửa đổi và bổ sung, bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã hoàn thiện hơn, phù hợp với quá trình tiến hành tố tụng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quá trình tố tụng.
Mọi vấn đề thắc mắc liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 1900 8698để được Luật sư Newvision hỗ trợ chi tiết, kịp thời