Hiện nay, với tình trạng vệ sinh, an toàn thực phẩm ngày càng đáng quan tâm hơn thì việc kiểm soát của nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng được tăng cường hơn. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm khi đi vào hoạt động cần có thêm Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vậy cần những điều kiện gì để cơ sở đó được cấp Giấy chứng nhận này ? Khi nào Giấy…
Hiện nay, với tình trạng vệ sinh, an toàn thực phẩm ngày càng đáng quan tâm hơn thì việc kiểm soát của nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng được tăng cường hơn. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm khi đi vào hoạt động cần có thêm Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vậy cần những điều kiện gì để cơ sở đó được cấp Giấy chứng nhận này ? Khi nào Giấy chứng nhận có thể bị thu hồi? Theo các quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định 38/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều về Luật An toàn thực phẩm thì:
Các điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Theo Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm thì các cơ sở sẽ được Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nếu có đủ các điều kiện:
– Cơ sở có đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định gồm các điều kiện chung về đảm bảo thực phẩm; các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống; các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sơ chế, chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
– Cơ sở có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì chủ sơ sở sản xuất, kinh doanh cần ghi ngành nghề kinh doanh thực phẩm.
Việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện đối với từng cơ sở sản xuất, kinh doanh; từng nhà máy sản xuất độc lập tại một địa điểm, trừ các trường hợp cơ sở đó sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; bán hàng rong; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định.
Thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Theo Điều 13 Nghị định 38/2012/NĐ-CP thì cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ bị Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nếu rơi vào một trong các trường hợp:
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không hoạt động ngành nghề kinh doanh thực phẩm đã đăng ký.
– Có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đổi ngành nghề kinh doanh tại cơ sở cũ.
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Như vậy, pháp luật nước ta có quy định khá rõ ràng về vấn đề Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước sẽ phần nào giải quyết được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm – một vấn đề đang gây nhức nhối đối với xã hội.