Sau khi Luật sư Nguyễn Văn Tuấn tham gia giải đáp về một số câu hỏi về Luật sở hữu trí tuệ đã được nhiều độc giả quan tâm,hưởng ứng, Để tư vấn thêm nhiều những kiến thức chuyên môn của mình đến với bạn đọc thì tuần này Luật sư Nguyễn Văn Tuấn sẽ tiếp tục tham gia giải đáp cho bạn về chủ đề liên quan đến kiểu dáng công nghiệp Khái niệm cơ bản về kiểu dáng công nghiệp Kiểu dáng công nghiệp…
Sau khi Luật sư Nguyễn Văn Tuấn tham gia giải đáp về một số câu hỏi về Luật sở hữu trí tuệ đã được nhiều độc giả quan tâm,hưởng ứng, Để tư vấn thêm nhiều những kiến thức chuyên môn của mình đến với bạn đọc thì tuần này Luật sư Nguyễn Văn Tuấn sẽ tiếp tục tham gia giải đáp cho bạn về chủ đề liên quan đến kiểu dáng công nghiệp

Khái niệm cơ bản về kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Hình dáng bên ngoài của sản phẩm là phần bên ngoài của sản phẩm mà có thể nhìn thấy và nhận diện được bằng mắt, phải mới đối với thế giới và kiểu dáng đó có thể làm mẫu để chế tạo các sản phẩm công nghiệp hoặc tiểu thủ công nghiệp.
Kiểu dáng công nghiệp là hình thức, vẻ bề ngoài của sản phẩm có chức năng thẩm mỹ như hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng bằng tính năng độc đáo, vẻ đẹp, sự bắt mắt…
Sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được hiểu là các đồ vật, dụng cụ thiết bị, phương tiện… thuộc mọi lĩnh vực; có kết cấu và chức năng nhất định; các sản phẩm này được sản xuất và lưu thông độc lập với những sản phẩm khác; có thể là toàn bộ sản phẩm hoặc một hoặc một vài bộ phận của sản phẩm.
Kiểu dáng công nghiệp là kết quả của hoạt động sáng tạo, quá trình này đòi hỏi sự đầu tư cả về vật chất lẫn lao động trí tuệ, vì vậy được Nhà nước bảo hộ dưới hình thức thừa nhận và đảm bảo quyền sử hữu trí tuệ.
Điều kiện được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ những điều kiện sau đây:
- Có tính mới: Kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đã bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng hoặc mô tả văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn (Trường hợp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên thì phải lần đầu biết đến trước ngày ưu tiên);
- Có tính sáng tạo: Kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng với sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp: Kiểu dáng công nghiệp có thể sử dụng để làm mẫu chế tạo sản phẩm hàng loạt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
- Hình dáng của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm buộc phải có;
- Hình dáng của các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Hình dáng bên ngoài của các sản phẩm chỉ có giá trị thẩm mỹ.
Vì sao cần đăng ký kiểu dáng công nghiệp?
Cần có nhu cầu đăng ký kiểu dáng công nghiệp vì những lý do sau:
- Quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp chỉ phát sinh khi và chỉ khi Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được cấp theo thủ tục đăng ký.
- Văn bằng bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp được gọi là Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Bằng độc quyền có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ; có thể được gia hạn liên tiếp hai lần, mỗi lần là 5 năm.
- Trong thời hạn bảo hộ đăng ký kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có độc quyền sử dụng, chuyển nhượng hoặc quyền chuyển giao sử dụng kiểu dáng công nghiệp, qua đó bù đắp các chi phí đầu tư về vật chất và trí tuệ, hưởng lợi nhuận từ các công việc khai thác thành quả sáng tạo của mình và có thể tái đầu tư cho hoạt động sáng tạo.
- Trong thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (thời gian tối đa 15 năm), chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết những hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp của mình.
Người có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- Tác giả ( tức người trực tiếp tạo ra sản phẩm có kiểu dáng công nghiệp bằng chính công thức, lao động sáng tạo của bản thân mình ) nếu tác giả tự đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất của chính bản thân mình để tạo ra kiểu dáng công nghiệp; hoặc
- Tổ chức, cá nhân cung cấp kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc với tác giả nếu các bên không có thỏa thuận khác.
- Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì các cá nhân, tổ chức đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
- Người có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể chuyển giao quyền đăng ký, để thừa kế hoặc thừa kế cho cá nhân, tổ chức khác, kể cả trường hợp nộp đơn đăng ký.
Chủ đơn cần phải làm gì nếu việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp không suôn sẻ?
Trong trường hợp người nộp đơn được Cục sở hữu trí tuệ thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ hoặc dự định từ chối cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp thì chủ đơn cần phải sửa chữa những thiếu sót nêu trong thông báo hoặc đưa ra ý kiến phản bác lý do dẫn đến dự định từ chối không xác định của Cục sở hữu trí tuệ.
Trong trường hợp người nộp đơn được Cục sở hữu trí tuệ thông báo về việc có người khác phản đối việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp thì chủ đơn cần sửa đổi kiểu dáng công nghiệp (trong phạm vi được phép) hoặc đưa ra ý kiến phản bác những lý lẽ, chứng cứ của người phản đổi là không xác đáng.
Nếu chủ đơn không đồng ý với các quyết định của Cục sở hữu trí tuệ có liên quan đến đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của mình có thể khiếu nại trước tiên với chính Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ (khi khiếu nại lần đầu). Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu thì chủ đơn có thể khiếu nại với Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ hoặc khởi kiện vụ án hành chính ra tòa để được giải quyết và đảm bảo quyền lợi.
Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp cần phải làm gì để bảo vệ kiểu dáng đã được đăng ký?
Để có thể bảo vệ kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký của mình, chủ sở hữu cần phải có các biện pháp kiểm soát, theo dõi nhằm phát hiện, ngăn chặn những hành vi sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp giống hệt hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của mình trên thị trường.
Trong trường hợp chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp phát hiện có hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp đang được đăng ký bảo hộ của mình cần yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan Quản lý thị trường, Thanh tra khoa học và Công nghệ, Cảnh sát kinh tế, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp, Tòa án,… áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn chặn hàng vi đó, bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Các đối tượng có hành vi xâm phạm sẽ buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm, bồi thường thiệt hại, bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chủ sở hữu cũng cần phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật kể trên bằng cách tố cáo, cung cấp thông tin, chứng cứ trung thực, chính xác về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.