CÂU HỎI: Kính chào Luật sư, tôi hiện đang là chủ một doanh nghiệp tư nhân trên thành phố Hà Nội, do thời gian của tôi khá hạn chế cũng như để đáp ứng yêu cầu của công việc quản lý, tôi có dự định sẽ thuê người nước ngoài làm giám đốc quản lý Doanh nghiệp thay tôi. Tuy nhiên, tôi đang băn khoăn không biết liệu tôi làm như thế có được không? Và nếu được thì chúng tôi cần chuẩn bị những hồ…
CÂU HỎI: Kính chào Luật sư, tôi hiện đang là chủ một doanh nghiệp tư nhân trên thành phố Hà Nội, do thời gian của tôi khá hạn chế cũng như để đáp ứng yêu cầu của công việc quản lý, tôi có dự định sẽ thuê người nước ngoài làm giám đốc quản lý Doanh nghiệp thay tôi. Tuy nhiên, tôi đang băn khoăn không biết liệu tôi làm như thế có được không? Và nếu được thì chúng tôi cần chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu gì? Xin cảm ơn luật sư.

TRẢ LỜI:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã dành sự tin tưởng và gửi băn khoăn của mình đến Hãng Luật Newvision chúng tôi. Với trường hợp của bạn đại diện L.s Nguyễn Văn Tuấn xin đưa ra câu trả lời như sau:
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Thông thường, chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ trực tiếp quản lý và điều hành mọi hoạt động của công ty, tuy nhiên nếu muốn, chủ DNTN vẫn có thể thuê người khác thay mình làm công việc này. Khoản 2 Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh”. Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý khi quyết định thuê người khác làm giám đốc quản lý doanh nghiệp đó là chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trường hợp của bạn muốn thuê một người nước ngoài làm giám đốc quản lý doanh nghiệp thì trước tiên phải đáp ứng các điều kiện tuyển dụng lao động nước ngoài được quy định tại Điều 170 Bộ luật lao động 2012 đó là:
“1. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là công dân nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
2. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu nước ngoài trước khi tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Ngoài ra, công dân nước ngoài đó cũngphải được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật lao động 2012 và các văn bản pháp luật có liên quan. Cụ thể, một người nước ngoài sẽ được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam khi đáp ứng được các điều kiện sau:
“1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
2. Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.
3. Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
4. Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.
5. Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài”. (Điều 9 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP)
Nếu người nước ngoài đó đáp ứng các điều kiện trên thì có thể tiến hành nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu liệt kê tại Điều 10 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP của chính phủ ngày 3/2/2016 “quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam”.