Trách nhiệm hình sự của pháp nhân- Một quy định hoàn toàn mới của Bộ luật Hình sự 2015.(Phần 1) Trong các Bộ luật hình sự trước đây thì trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra với cá nhân, còn với pháp nhân thì chế tài nặng nhất mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính. Tác động của nền kinh tế thị trường đã làm cho không ít các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất kinh…
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân- Một quy định hoàn toàn mới của Bộ luật Hình sự 2015.(Phần 1)
Trong các Bộ luật hình sự trước đây thì trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra với cá nhân, còn với pháp nhân thì chế tài nặng nhất mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính.
Tác động của nền kinh tế thị trường đã làm cho không ít các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách bất chấp sự an toàn tính mạng, sức khỏe của cộng đồng, vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân trong các lĩnh vực như sản xuất kinh doanh, quản lý kinh tế, xã hội, chứng khoán, đầu tư, bảo hiểm, đấu thầu xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động… Nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chế tài mới chỉ dừng lại ở xử phạm vi phạm hình chính. Trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính vừa không có tính răn đe vừa không đầy đủ, mức phạt vi phạm hành chính chỉ là một phần rất nhỏ trong lợi ích mà tổ chức, doanh nghiệp đạt được từ hành vi vi phạm đó, nên họ chấp nhận bị xử phạt để đổi lấy một khoản lợi nhuận “kếch xù”.
Sau đây, chúng ta sẽ cần nhau đi tìm hiểu về Trách nhiệm pháp lý của pháp nhân:
1.Trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với pháp nhân thương mại :
Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Thứ nhất, “Pháp nhân” là gì? Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một tổ chức được công nhận là một pháp nhân khi có đủ 4 điều kiện sau: (i) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; (ii) Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; (iii) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và (iv) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
“Pháp nhân thương mại”; Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Như vậy, chỉ có doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác mới là chủ thể có thể là chủ thể của tội phạm.
2. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi đáp ứng đủ các điều kiện sau :
Thứ nhất, hành vi phạm tội thực hiện nhân danh pháp nhân. Pháp nhân thực hiện hành vi của mình thông qua các cá nhân đại diện của pháp nhân. Các cá nhân này thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân và vì lợi ích kinh tế cho pháp nhân đó.
Thứ hai, hành vi thực hiện vì lợi ích của pháp nhân. Hành vi phạm tội phải hướng tới mục đích là lợi ích kinh tế, lợi nhuận của pháp nhân.
Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại.
Thứ tư, hành vi vi phạm chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS.