Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 – Hợp đồng ủy quyền “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Hợp đồng ủy quyền nằm trong nhóm hợp đồng có đối tượng là công việc, theo đó, chủ thể của hợp đồng ủy quyền gồm bên…
Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 – Hợp đồng ủy quyền
“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Hợp đồng ủy quyền nằm trong nhóm hợp đồng có đối tượng là công việc, theo đó, chủ thể của hợp đồng ủy quyền gồm bên ủy quyền và bên được ủy quyền.
1. Chủ thể của hợp đồng ủy quyền
Đối với quy định cũ – Bộ luật dân sự 2005: Chủ thể của hợp đồng ủy quyền là cá nhân.
Trong thực tế có rất nhiều giao dịch có thể làm phát sinh quan hệ ủy quyền giữa các pháp nhân, từ đó đặt ra nhu cầu chính đáng về hành lang pháp lý cho mối quan hệ đại diện này. Bộ luật Dân sự 2015 mới đã chính thức cho phép một pháp nhân có thể ủy quyền cho một pháp nhân khác xác lập và/hoặc thực hiện giao dịch cho mình. Thực vậy, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015 quy định đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Đây là một điểm tiến bộ đáng ghi nhận so với quy định cũ.
2. Thời hạn ủy quyền
Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Hoặc các bên có thể thỏa thuận theo khối lượng công việc: Thời hạn ủy quyền là từ khi xác lập việc ủy quyền cho đến khi thực hiện xong công việc.
3. Đối tượng của hợp đồng ủy quyền
Đối tượng của giao dịch ủy quyền chỉ đơn thuần là công việc có thể thực hiện và được phép thực hiện. Thỏa thuận ủy quyền là đại diện cho chủ sở hữu nhưng không làm mất đi tư cách của chủ sở hữu đối với tài sản. Các nội dung được ủy quyền chỉ là những công việc, hành vi cụ thể. Vì vậy mà người được ủy quyền không được tự ý thực hiện vượt quá nội dung được ủy quyền, và sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người ủy quyền nếu vượt quá nội dung này. Đồng thời cũng chính điều này sẽ dẫn tới quan hệ ủy quyền đương nhiên bị chấm dứt nếu người ủy quyền đó bị mất năng lực hành vi (bị chết, hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết
4. Đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền
– Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
– Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.
Ngoài các hình thức ủy quyền: Đại diện theo ủy quyền của cá nhân; Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân; Đại diện theo ủy quyền của hộ gia đình, tổ hợp tác; thì giờ sẽ có cả ủy quyền giữa pháp nhân với pháp nhân. Ngoài ra, các quy định khác về giao dịch ủy quyền đều được giữ nguyên theo quy định cũ.