Câu hỏi của độc giả: Chào luật sư, hợp tác xã chúng tôi sắp tới sẽ được cấp phép để khai thác rừng. Vậy tôi muốn hỏi luật sư về những hành vi nào không được làm và mức phạt đối với các hoạt động phá hoại rừng như thế nào? Cảm ơn luật sư ! Luật sư trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì cá nhân/tổ chức nào có các hành vi vi phạm các quy định của Nhà…
Câu hỏi của độc giả:
Chào luật sư, hợp tác xã chúng tôi sắp tới sẽ được cấp phép để khai thác rừng. Vậy tôi muốn hỏi luật sư về những hành vi nào không được làm và mức phạt đối với các hoạt động phá hoại rừng như thế nào? Cảm ơn luật sư !
Luật sư trả lời:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì cá nhân/tổ chức nào có các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng thì phải chịu trách nhiệm tùy theo từng trường hợp cụ thể. Mức phạt nhẹ nhất là cảnh cáo, nặng nhất là phạt tiền đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, cá nhân/tổ chức này có thể bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định của pháp luật.
Điều 15 Nghị định số 09/VBHN-BNNPTNT quy định cụ thể như sau:
“Điều 15. Vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng
Người có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng bị xử phạt như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Mang dụng cụ thủ công, cơ giới vào rừng để săn bắt động vật rừng;
b) Đưa súc vật kéo, mang dụng cụ thủ công vào rừng để khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản trái phép;
c) Nuôi, trồng, thả trái phép vào rừng đặc dụng các loài động vật, thực vật không có nguồn gốc bản địa.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tổ chức đưa người vào nghiên cứu khoa học, đi du lịch trái phép ở rừng đặc dụng; thu thập mẫu vật trái phép trong rừng;
b) Đưa trái phép vào rừng các phương tiện, công cụ cơ giới;
c) Quảng cáo kinh doanh về thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật;
d) Săn bắt động vật trong mùa sinh sản;
đ) Sử dụng phương pháp, công cụ săn bắt bị cấm;
e) Săn bắt động vật rừng ở những nơi có quy định cấm săn bắt.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đốt lửa, sử dụng lửa không đúng quy định của Nhà nước trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng;
b) Đốt lửa, sử dụng lửa ở các khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô nỏ vào mùa hanh khô;
c) Đốt lửa, sử dụng lửa gần kho, bãi gỗ khi có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V;
d) Đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh;
đ) Đốt nương, rẫy, đồng ruộng trái phép ở trong rừng, ven rừng;
e) Không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và bảo quản, sử dụng chất cháy trong rừng và ven rừng.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các chủ rừng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng thuộc một trong các hành vi sau:
a) Không có phương án phòng cháy, chữa cháy và công trình phòng cháy, chữa cháy rừng; không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đúng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Tháo nước dự trữ phòng cháy trong mùa khô hanh;
c) Không tổ chức tuần tra, canh gác rừng để ngăn chặn cháy rừng tự nhiên, rừng trồng do mình quản lý.
5. Hình thức xử phạt bổ sung
a) Tịch thu tang vật, công cụ thủ công và các loại cưa xăng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Tịch thu công cụ săn bắt động vật rừng bị cấm quy định tại Khoản 2 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 Điều này.
7. Người vi phạm quy định tại Điều này mà gây thiệt hại đến rừng hoặc lâm sản thì bị xử phạt theo Điều 12 hoặc Điều 16 hoặc Điều 20 hoặc Điều 21 hoặc Điều 22 của Nghị định này.”
Mọi vấn đề thắc mắc cần tư vấn liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 1900 8698 để được hỗ trợ và giải đáp