Dưới góc độ của môn Luật Thương mại thì hoạt động đấu thầu có những đặc điểm sau: – Đấu thầu là hoạt động thương mại. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác (Khoản 1 Điều 3). Trong đó, đấu thầu nằm trong các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác. Sở dĩ,…
Dưới góc độ của môn Luật Thương mại thì hoạt động đấu thầu có những đặc điểm sau:
– Đấu thầu là hoạt động thương mại. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác (Khoản 1 Điều 3). Trong đó, đấu thầu nằm trong các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác. Sở dĩ, pháp luật coi đấu thầu là hoạt động thương mại vì nó có các dấu hiệu cơ bản của một hoạt động thương mại về chủ thể, mục đích của hoạt động, đối tượng hay quyền và nghĩa vụ các bên.
Đặc điểm của hoạt động đấu thầu
– Đối tượng của hoạt động đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là các loại hàng hóa thương mại được phép lưu thông trên thị trường và dịch vụ thương mại được phép thực hiện theo quy định pháp luật.
– Đấu thầu là một giai đoạn tiền hợp đồng. Hoạt động đấu thầu luôn gắn liền với hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Trong nền kinh tế, đấu thầu không diễn ra như một hoạt động độc lập, nó chỉ xuất hiện khi con người có nhu cầu mua sắm hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ. Mục đích của hoạt động này là giúp bên mời thầu có thể tìm ra chủ thể có khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt nhất với giá cả họp lý nhất. Sau quá trình đấu thầu hoàn tất, người trúng thầu sẽ cùng bên mời thầu đàm phán để ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ. Do đó, hoạt động đấu thầu chỉ là tiền đề dẫn đến hoạt động ký kết hợp đồng.
– Chủ thể của hoạt động đấu thầu: Chủ thể ở đấy chính là các bên mua bán hàng hóa, dịch vụ. Bên mời thầu là bên (có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân) có nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Còn bên dự thầu là các thương nhân có năng lực cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho gói thầu.
– Quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ luôn được xác định giữa một bên mời thầu và nhiều nhà thầu. Vì đấu thầu là phương thức giúp người mua lựa chọn người ban, do đó trong mọi gói thầu phải tạo ra sự cạnh tranh càng lớn càng tốt giữa những người có năng lực bán hàng, thông qua đó người mua có thể lựa chọn người bán tốt nhất. Về nguyên tắc thì số lượng nhà thầu tham dự một gói thầu luôn phải nhiều hơn một ( trừ chỉ định thầu vì theo nguyên tắc này thì chỉ định thầu không được coi là một hình thức đấu thầu ).
– Mục đích cuối cùng của hoạt động đấu thầu : Các bên có các mục đích khác nhau khi tham gia hoạt động này. Bên dự thầu mong muốn ký kết được hợp đồng để cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Bên mời thầu mong muốn lựa chọn được bên đáp ứng được yêu cầu của mình cả về kỹ thuật và tài chính làm sao kỹ thuật càng tốt đồng thời giá cả phải chăng nhất.
– Hình thức pháp lý của quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu. Hồ sơ mời thầu là văn bản pháp lý do bên mời thầu lập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó thể hiện đầy đủ những yêu cầu ký thuật, tài chính và thương mại của hàng hóa cần mua sắm, dịch vụ cần sử dụng và những điều kiện khác của gói thầu. Còn hồ sơ dự thầu thể hiện năng lực và mức độ đáp ứng của bên dự thầu trước yêu cầu trong hồ sơ mời thầu. Những hồ sơ này là căn cứ pháp lý để xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
– Nguyên tắc của hoạt động đấu thầu : Nguyên tắc trong đấu thầu là những tư tưởng chỉ đạo được rút ra từ những quy định pháp luật về đấu thầu do tổ chức có thẩm quyền ban hành, trên một bình diện nào đó, buộc các bên tham gia quan hệ đấu thầu phải tuân theo. Về cơ bản, mọi hoạt động đấu thầu nói chung đều phải được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau:
+ Nguyên tắc coi trọng tính hiệu quả kinh tế;
+ Nguyên tắc cạnh tranh với điều kiện ngang nhau;
+ Nguyên tắc thông tin đầu đủ, công khai;
+ Nguyên tắc bảo mật thông tin đấu thầu;
+ Nguyên tắc đánh giá khách quan, công bằng;
+ Nguyên tắc đảm bảo dự thầu.