Câu hỏi tình huống: (Thanh tra) – Một số xã viên HTX Vận tải 27/7 (Hà Nội) cho biết: HTX chúng tôi được thành lập tháng 7/1998, là đơn vị sản xuất kinh doanh của thương binh và người tàn tật, được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh được hưởng chính sách ưu đãi dành riêng cho người tàn tật theo Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ….
Câu hỏi tình huống:
(Thanh tra) – Một số xã viên HTX Vận tải 27/7 (Hà Nội) cho biết: HTX chúng tôi được thành lập tháng 7/1998, là đơn vị sản xuất kinh doanh của thương binh và người tàn tật, được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh được hưởng chính sách ưu đãi dành riêng cho người tàn tật theo Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ.
Ngày 14/5/2013, HTX có Công văn số 08/CV-HTX gửi UBND quận Ba Đình và UBND phường Liễu Giai, xin phép sửa chữa, cải tạo 97m2 văn phòng làm việc tại số 99 ngõ 189 đường Hoàng Hoa Thám bị hư hỏng, dột nát, xuống cấp trầm trọng, có chỗ đã bị đổ tường làm ảnh hưởng đến công việc và đe dọa an toàn tính mạng cán bộ, xã viên.
Tháng 8/2013, các cơ quan của quận: Phòng Xây dựng, Thanh tra xây dựng và UBND phường Liễu Giai đã đến HTX kiểm tra tại chỗ và ký văn bản đồng ý để HTX sửa chữa, cải tạo văn phòng làm việc. Văn bản “đồng ý” này được chuyển UBND quận giải quyết nhưng từ đó đến nay không thấy có “hồi âm”.
Đề nghị Tòa soạn cho biết ý kiến về sự việc của đơn vị chúng tôi. Trong tình cảnh bị “hành” như vậy, chúng tôi cần phải làm gì?
Ý kiến của chúng tôi:
- HTX gửi công văn xin phép sửa chữa, cải tạo nhà văn phòng từ tháng 5 mà mãi đến tháng 8 (tức sau 3 tháng) quận Ba Đình mới có đoàn liên ngành đến xem xét cho thấy sự trì trệ rất đáng lo ngại từ phía cơ quan Nhà nước. Tiếp đó, văn bản “đồng ý” của liên ngành tiếp tục bị Phó Chủ tịch UBND quận (phụ trách lĩnh vực này) “ngâm” tiếp… 3 tháng nữa (từ tháng 8 đến nay) không “hồi âm” chứng tỏ sự vô cảm không thể chối cãi của chính quyền quận này trước nỗi khổ của người dân và doanh nghiệp.
Về pháp lý, cách hành xử của chính quyền quận Ba Đình trong vụ việc này trái với các quy định sau đây của pháp luật:
- Trái quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Xây dựng: “Cấp giấy phép xây dựng trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ”;
- Trái quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính; theo đó, Chính phủ nghiêm cấm công chức “từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện hoặc tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định mà không nêu rõ lý do bằng văn bản”.
Điều rất nghiêm trọng nữa, vụ việc này xảy ra còn là “bằng chứng sống” về tình trạng “trên bảo dưới không nghe” khi chính quyền quận Ba Đình “phớt lờ” Quyết định số84/2009/QĐ-UBND ngày 1/7/2009 của cấp trên là UBND TP Hà Nội “về việc ban hành quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế liên thông trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước thuộc TP Hà Nội”.
- Về câu hỏi của xã viên HTX: Bị “hành” đến như vậy, chúng tôi cần phải làm gì?
Tại điểm a, khoản 1 Điều 68 Luật Xây dựng quy định người xin cấp giấy phép xây dựng có quyền:
“Yêu cầu cơ quan cấp giấy phép xây dựng giải thích, hướng dẫn và thực hiện đúng các quy định về cấp giấy phép xây dựng; khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp giấy phép xây dựng; được khởi công xây dựng công trình nếu sau thời gian quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này mà cơ quan cấp giấy phép không có ý kiến trả lời bằng văn bản khi đã đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 72 của Luật này”.
Theo chúng tôi, sự việc đơn vị bị “hành” dù sao cũng đã xảy ra rồi. Trước mắt, HTX nên yêu cầu UBND quận giải thích vì sao họ nỡ “hành” một doanh nghiệp của người tàn tật, trong khi tại Điều 7 Nghị định 64/2012/NĐ-CP, Chính phủ cho phép cấp giấy phép xây dựng ngay cả đối với công trình nằm trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.