Việc tự ý sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo, thu hút khách hàng đang ngày càng phổ biến. Điển hình như vừa rồi MC Lại Văn Sâm không dùng facebook nhưng lại có tới trên dưới 10 trang cá nhân lấy tên anh để hoạt động. Hoặc gần đây là một trang web tự ý sử dụng hình ảnh của anh để quảng cáo thuốc trị ngáy ngủ. Hay như thời điểm năm 2017, NSND Lan Hương bức xúc chia sẻ…
Việc tự ý sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo, thu hút khách hàng đang ngày càng phổ biến. Điển hình như vừa rồi MC Lại Văn Sâm không dùng facebook nhưng lại có tới trên dưới 10 trang cá nhân lấy tên anh để hoạt động. Hoặc gần đây là một trang web tự ý sử dụng hình ảnh của anh để quảng cáo thuốc trị ngáy ngủ. Hay như thời điểm năm 2017, NSND Lan Hương bức xúc chia sẻ bản thân không hề ký một hợp đồng nào mà hình ảnh của bản thân lại ngang nhiên bị sử dụng với mục đích quảng cáo cho một hãng xe.
Nhà báo Lại Văn Sâm từng thể hiện sự bức xúc khi người khác mạo danh ông quảng cáo thuốc trị ngáy.
Sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo, xúc tiến thương mại.
Người càng nổi tiếng thì sức ảnh hưởng của họ càng lớn, đồng nghĩa với việc sản phẩm được họ đại diện sẽ bán được nhiều hơn bởi chính sự tin tưởng từ phía công chúng. Nhưng một mặt khác, cát xê để có thể mời được những ngôi sao lại không hề rẻ. Theo tìm hiểu, giá cát xê dự sự kiện của Việt Anh thời điểm giữa năm 2017 dao động từ khoảng 40 – 60 triệu; giá đóng TVC quảng cáo có thể từ 5.000-10.000 USD; giá đăng quảng cáo trên trang cá nhân dao động từ 15 – 20 triệu. Với NSND Hoàng Dũng trong vai “Người phán xử” từng nhận được mức cát xê dự sự kiện từ 30- 50 triệu, diễn viên Thanh Hương đóng vai Phan Hương (con gái Phan Quân) cũng khoảng từ 20 – 30 triệu đồng. Do đó, nhiều thương nhân đã tự ý cắt ghép, sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm họ đang kinh doanh.
Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng thể hiện quan điểm trên mạng xã hội Facebook về việc người ta tự ý dùng hình ảnh của ông để quảng cáo thuốc trị ngáy.
Thực tế cho thấy khi thực hiện hành vi trên, ngay chính bản thân thương nhân cũng chưa thể lường trước được mức độ nghiêm trọng hậu quả mang lại.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám Đốc- Công ty Luật TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) có ý kiến cho rằng theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý… Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, giám Đốc- Công ty Luật TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám Đốc- Công ty Luật TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cũng nói thêm, với những cá nhân đăng tải hình ảnh của người khác trên trang mạng xã hội như Facebook… thì bị xử phạt theo điểm e, điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 quy định:
“Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
…..
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
….
- e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
- g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác…”.
Do đó, các cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Quy định này dùng để xử phạt đối với một trong các hành vi như thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Tuy nhiên, để đảm bảo pháp luật được thực thi đúng và thỏa đáng, những nghệ sĩ, ngôi sao, những người là nạn nhân bị người khác tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân phải là những người lên tiếng tự bảo vệ mình. Thông thường khi gặp phải chuyện tương tự, vì tính chất sự việc không quá lớn, không ảnh hưởng quá nhiều nên đa số các nghệ sĩ thường bỏ qua, hoặc cùng lắm thì họ lên tiếng trên các trang báo, các trang mạng xã hội. Bởi vậy vấn đề không được giải quyết triệt để, các cá nhân, tổ chức kinh doanh vẫn có thể tiếp tục tái phạm. Khi gặp phải trường hợp như vậy, các nghệ sĩ, ngôi sao phải mạnh tay tố cáo hành vi vi phạm trên tới các cơ quan có thẩm quyền, để đảm bảo hình ảnh của mình đặc biệt trước công chúng.