Tình huống: Luật sư cho mình hỏi: Chồng mình đang thi hành án thì vợ có quyền làm đơn ly hôn đơn phương không? và phí án có nhiều không ạ? nợ của 2 vợ chồng thì vợ phải trả hết ạ? Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, việc ly hôn phải đáp ứng các điều…
Tình huống: Luật sư cho mình hỏi: Chồng mình đang thi hành án thì vợ có quyền làm đơn ly hôn đơn phương không? và phí án có nhiều không ạ? nợ của 2 vợ chồng thì vợ phải trả hết ạ?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, việc ly hôn phải đáp ứng các điều kiện về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014:
“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Như vậy, bạn vẫn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương theo quy định của pháp luật. Pháp luật Việt Nam không có quy định cấm việc vợ ly hôn chồng và trong trường hợp vợ chồng đang chấp hành án thì không được ly hôn. Pháp luật Việt Nam chỉ quy định chồng không có quyền yêu cầu ly hôn vợ nếu vợ đang trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Về án phí trong việc yêu cầu giải quyết ly hôn đương phương được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm:
“Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.”
Cụ thể, theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu ly hôn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí; Án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng (nếu không tranh chấp về tài sản).
Về nợ chung khi ly hôn, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 37 Luật hôn nhân gia đình 2014. Tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng:
“Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”
Theo đó, về mặt pháp lý, sau khi ly hôn cả 2 không còn là vợ chồng của nhau nhưng các khoản nợ chung trong thời kỳ hôn nhân mà vợ chồng chưa trả xong, thì pháp luật vẫn xác định đó là nghĩa vụ chung của cả 2 nên sau khi ly hôn mỗi người đều có nghĩa vụ thanh toán một nửa số nợ chung. Trách nhiệm trả nợ sau ly hôn còn phụ thuộc vào mục đích vay nợ trong thời kỳ hôn nhân bao gồm: đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; nghĩa vụ trả nợ phát sinh nhằm chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung và vẫn có hiệu lực đối với bên thứ ba sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác theo Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.