Phân chia cổ phần công ty khi không có di chúc
Cập nhật 23/11/2016 09:49
Câu hỏi: Bố tôi là cổ đông sáng lập nắm giữ 20% cổ phần phổ thông của CTCP A, thành lập năm 2014. Đầu năm 2016 bố tôi mất mà không để lại di chúc thì số cổ phần của bố tôi tại Công ty A được giải quyết như thế nào? Luật Doanh nghiệp quy định như thế nào về việc thừa kế cổ phần này? Trả lời: Trong CTCP, Cổ phần của cổ đông chính là phần vốn góp của cổ đông đó…
Câu hỏi:
Bố tôi là cổ đông sáng lập nắm giữ 20% cổ phần phổ thông của CTCP A, thành lập năm 2014. Đầu năm 2016 bố tôi mất mà không để lại di chúc thì số cổ phần của bố tôi tại Công ty A được giải quyết như thế nào? Luật Doanh nghiệp quy định như thế nào về việc thừa kế cổ phần này?
Phân chia cổ phần công ty khi không có di chúc
Trả lời:
Trong CTCP, Cổ phần của cổ đông chính là phần vốn góp của cổ đông đó trong công ty, khi cổ đông chết đi, cổ phần được coi là di sản thừa kế. Trường hợp cổ đông của CTCP chết mà không để lại di chúc thì số cổ phần này sẽ được để lại thừa kế cho các hàng thừa kế của cổ đông theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Luật Doanh nghiệp không có quy định cụ thể về việc thừa kế trong CTCP. Do đó, việc thừa kế cổ phần trong trường hợp của bạn được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Điều lệ Công ty (nếu có).
Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi cổ đông chết mà không để lại di chúc thì cổ phần thuộc sở hữu của cổ đông sẽ được để lại cho những hàng thừa kế theo thứ tự sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau sẽ chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, những người thừa kế theo pháp luật của cổ đông đã chết phải thông báo với Công ty A về việc hưởng thừa kế và trở thành cổ đông sáng lập của Công ty. Trường hợp người được hưởng thừa kế không muốn trở thành cổ đông sáng lập của Công ty thì có thể chuyển nhượng số cổ phần trên cho các cổ đông sáng lập khác trong Công ty hoặc cho người khác không phải là cổ đông sáng lập nếu được Đại hội đồng cổ đông Công ty chấp thuận.