I.Nguyên tắc chung Bộ luật dân sự 2015 (sau đây viết tắt là BLDS 2015) quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc như sau: “Hợp đồng” là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong một sự việc hay lĩnh vực nào đó. Nếu hợp đồng trong lĩnh vực dân sự (như mua bán nhà, xe ô tô …) giữa các cá nhân với nhau, thì gọi là “hợp đồng dân sự”….
I.Nguyên tắc chung
Bộ luật dân sự 2015 (sau đây viết tắt là BLDS 2015) quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc như sau:
“Hợp đồng” là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong một sự việc hay lĩnh vực nào đó. Nếu hợp đồng trong lĩnh vực dân sự (như mua bán nhà, xe ô tô …) giữa các cá nhân với nhau, thì gọi là “hợp đồng dân sự”.
“Vi phạm hợp đồng” là hành vi một bên vi phạm (một hoặc nhiều) nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
Ví dụ: công ty B và công ty A thỏa thuận (trong hợp đồng bán hàng) là công ty A sẽ thanh toán tiền mua hàng vào ngày 10/03/2017. Nhưng đến ngày đó công ty A không thanh toán. Như vậy công ty A bị xem là “vi phạm hợp đồng”. Cụ thể hơn là vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
“Phạt vi phạm” hay còn gọi là “phạt vi phạm hợp đồng” là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Chẳng hạn như trong ví dụ nêu trên, trong hợp đồng bán hàng giữa hai bên quy định “nếu công ty A chậm thanh toán tiền mua hàng, thì sẽ bị phạt 1% giá trị lô hàng cho mỗi ngày chậm”. Đây chính là thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng.
Việc phạt vi phạm hợp đồng không mang tính bắt buộc, mà do các bên thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên thỏa thuận này (nếu có), thì phải thể hiện rõ trong hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không có nội dung này, thì xem như hai bên không thỏa thuận. Mức phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự do hai bên thỏa thuận.
Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong dân sự
II. Thỏa thuận phạt vi phạm và thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng trong Dân sự
1.Thỏa thuận phạt vi phạm
Theo điều 418, BLDS 2015 quy định:
– Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
– Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
– Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Qua quy định ở trên có thể thấy rằng:
Thứ nhất, không có giới hạn về mức phạt vi phạm trong dân sự.
Thứ hai, có thể thỏa thuận chỉ bị phạt vi phạt mà không phải bồi thường thiệt hại.
Nếu trong hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm, nhưng không đề cập việc vẫn phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm sẽ không phải bồi thường thiệt hại.
2. Bồi thường thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Điều 13 BLDS 2015 quy định như sau: “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Điều 360 BLDS 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ như sau: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Theo đó, bên vi phạm nghĩa vụ, mà hành vi vi phạm gây thiệt hại cho bên kia, thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, hoặc luật có quy định khác.
Điều 419 BLDS 2015 quy định về thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng như sau:
–Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
-Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.
Quy định trên có thể hiểu như sau:
– Mức yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể bằng và là lợi ích mà lẽ ra sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại.
– Có thể đòi bồi thường thiệt hại về “tinh thần”, chứ không chỉ đơn thuần là tiền.