Tóm tắt sự việc: Mới đây, trên các trang mạng xã hội nhanh chóng lan truyền một Video về hành vi tra tấn dã man như bằng chích điện, kẹp giấy..đối với trẻ em có độ tuổi rất nhỏ, có em trong đó còn không mặc quần áo để mặc các em gào khóc gây xôn xao dư luận. Theo đó, nội dung video ghi lại cảnh một thanh niên đang có hành vi tra tấn trẻ em một cách dã man trên nền đất…
Tóm tắt sự việc:
Mới đây, trên các trang mạng xã hội nhanh chóng lan truyền một Video về hành vi tra tấn dã man như bằng chích điện, kẹp giấy..đối với trẻ em có độ tuổi rất nhỏ, có em trong đó còn không mặc quần áo để mặc các em gào khóc gây xôn xao dư luận.

Theo đó, nội dung video ghi lại cảnh một thanh niên đang có hành vi tra tấn trẻ em một cách dã man trên nền đất mặc cho các em gào khóc. Trong clip bị tung lên mạng, sau khi xác nhận được địa điểm thực hiện những hành vi trên là tại một trang trại tại Campuchia. Tính đến ngày 06/12/2016 nhiều video đã bị gỡ xuống nhưng ít nhất còn sót lại một video cho thấy cảnh một người đàn ông đang dí roi điện vào nhiều bộ phận trên cơ thể của đứa trẻ, còn em bé khác gào khóc vì đau đớn. Video này sau đó đã được phát tán rộng rãi qua mạng xã hội Facebook thu hút một lượng quan tâm và chia sẻ vô cùng lớn, gây nên làn sóng bất bình mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sau khi Video này được phát tán rộng rãi trên mạng, cảnh sát Campuchia đã nhanh chóng vào cuộc và xác định được các nghi can đã tiến hành những hành vi trên bao gồm: Ret Sothy (28 tuổi) và Oeu Nat (25 tuổi, người Campuchia), ngoài ra cảnh sát còn xác nhận được một nghi can người Việt Nam tên là Nguyen Dung tức Nguyễn Thành Dũng và yêu cầu phía cảnh sát Việt Nam hỗ trợ truy bắt vì được tin Dũng đã bỏ trốn về nước.
Sau khi nhận được thông tin, Cục cảnh sát hình sự (C45)- Bộ Công An đã nhanh chóng vào cuộc và đến ngày 07/12/2016 đã bắt được nghi can Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi, quê An Giang). Qua công tác lấy lời khai Dũng đã thừa nhận hành vi của mình. Ngoài các clip bị tung lên mạng có cảnh Dũng hành hạ những đứa bé thì công an thu giữ được 48 clip hành hạ trẻ em khác có trong điện thoại của Dũng. Nghi phạm thừa nhận thường xuyên sử dụng cần sa và hàng đá. Thời điểm quay clip dí điện bé trai là cuối tháng 8/2016, song không chắc chắn “vì khi đó phê ma túy”. Anh ta nói rằng: “Em lúc nhớ lúc quên, chỉ nhớ sự việc khi xem lại clip”.
Mới đây nhất, phía cảnh sát Campuchia đã có đề nghị cảnh sát Việt Nam tiến hành trao trả cho bên Campuchia để xử lý theo pháp luật quốc gia này vì vụ việc xảy ra trên đất Campuchia.
Vụ việc này đã gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian vừa qua, để lại nỗi ám ảnh đối với nhiều người vì tính chất dã man của nó. Câu hỏi đặt ra lúc này là chế tài nào để xử lý nghi can kể trên, và Pháp luật Việt Nam hay Campuchia có quyền xét xử đối với nghi can Nguyễn Mạnh Dũng.
Ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn
Qua cuộc trao đổi với Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn – Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội (Giám đốc -Công ty TNHH NewVision Law), Luật sư có một số quan điểm pháp lý, như sau:
-
Pháp luật Việt Nam hay Campuchia có quyền xử lý đối với nghi can Nguyễn Mạnh Dũng?
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Tuấn có ý kiến như sau:
Thứ nhất, cần xác định rõ nghi can Dũng hiện đang mang quốc tịch Việt Nam hay Campuchia. Bởi lẽ theo như thông lệ quốc tế thì các nước thường không để cho công dân mang quốc tịch của mình lại bị xét xử ở nước khác. Bởi vậy, nếu nghi phạm mang quốc tịch Campuchia thì bên đó sẽ dẫn độ về nước họ để xử lý theo hiệp định dẫn độ. Còn nếu nghi phạm không có quốc tịch Campuchia thì Việt Nam sẽ xử lý. Theo Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi 2009 quy định như sau:
Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này.
Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam và Campuchia đã tiến hành ký kết hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự vào ngày 29/11/2014. Theo Hiệp định tương trợ Tư pháp về hình sự trên tại điều 2 quy định như sau:
Điều 2. Không áp dụng
- Hiệp định này không áp dụng đối với việc:
(a) Bắt hoặc giam giữ một người nhằm mục đích dẫn độ người đó;
(b) Thi hành bản án hình sự của Quốc gia yêu cầu tại Quốc gia được yêu cầu, trừ trong phạm vi được pháp luật của Quốc gia được yêu cầu cho phép;
(c) Chuyển giao người bị giam giữ để thi hành hình phạt;
(d) Chuyển giao vụ án hình sự.
- Hiệp định này không cho phép bất cứ Quốc gia thành viên nào thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của Quốc gia thành viên khác quyền tài phán hay các chức năng thuộc thẩm quyền tuyệt đối của các cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia thành viên khác theo quy định của pháp luật của quốc gia đó.
Bởi vậy, theo những quy định trên thì nếu nghi can Dũng mang quốc tịch Việt Nam thì sẽ bị xử lý ở Việt Nam theo pháp luật Việt Nam và không hề vi phạm vào hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã tham gia.
-
Nghi can Dũng sẽ bị xử phạt theo chế tài nào?
Trong trường hợp nghi can Nguyễn Mạnh Dũng không bị dẫn độ sang Campuchia và xét xử theo pháp luật Việt Nam. Trường hợp này có thể áp dụng quy định như sau:
Theo Điểm D, khoản 1, khoản 2,3,4 điều 104 BLHS thì:
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, tùy vào mức độ giám định thương tật của cháu bé mà hình phạt tối đa nghi can Dũng có thể phải chịu sẽ là 15 năm tù.
Đây cũng có thể coi là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những bậc phụ huynh khi yên tâm giao con của mình cho người khác. Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương bởi vậy cần quan tâm, chăm sóc đặc biệt.Vụ việc trên chỉ là một trong nhiều vụ việc tra tấn dã man trẻ em gây bức xúc dư luận, để lại nỗi ám ảnh đối với xã hội. Vì vậy, cần phải có chế tài thích đáng để trừng trị những đối tượng như nghi can Dũng răn đe cho những đối tượng khác, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra tiếp theo bởi mức ảnh hưởng của những clip này trên Mạng xã hội sẽ rất dễ khiến các đối tượng khác học theo.
Ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn về vụ việc thanh niên Việt Nam tra tấn trẻ em tại Campuchia được đăng tải trên báo Pháp Luật Việt Nam – số 465 phát hành tháng 12/2016.

Ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn về vụ việc thanh niên Việt Nam tra tấn trẻ em tại Campuchia