Luật sư là ngành nghề có chức năng bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Khi hành nghề luật sư, luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; sử dụng các biện pháp hợp pháp…
Luật sư là ngành nghề có chức năng bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Khi hành nghề luật sư, luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 21 Luật luật sư 2006 thì Luật sư có nghĩa vụ sau:
– Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư quy định tại Điều 5 của Luật luật sư 2006
– Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề;
– Tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu;
– Thực hiện trợ giúp pháp lý;
– Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật luật sư 2006
Lách luật được hiểu là hoạt động không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, có hành vi lẩn tránh những nghĩa vụ mà pháp luật quy định phải thực hiện hoặc có thực hiện nhưng vì áp dụng điều luật khác khác với điều luật thực chất phải áp dụng nên nghĩa vụ phải thực hiện sẽ ít hơn, quyền lợi sẽ được hưởng nhiều hơn.
Lách luật cũng là sự phản ảnh hệ thống pháp luật quá lỏng lẻo, còn nhiều lỗ hổng để các cá nhân, tổ chức có cơ hội không thực hiện.
Thực trạng hiện nay, nhiều luật sư – những người nghiên cứu, hiểu rất rõ pháp luật, ngày càng xảy ra hiện tượng lách luật nhiều.
Luật sư, người tư vấn pháp luật cho khách hàng, nếu sử dụng lách luật trái với các quy định của luật, không thực hiện đúng nghĩa vụ của luật sư thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Trách nhiệm hành chính: Luật sư bị xử phạt hành chính khi hành vi xúi giục cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật đối với cơ quan, nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp này, luật sư sẽ bị phạt từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư từ 1 tháng đến 3 tháng(khoản 4 Điều 10 Nghị định 110/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã)
Trách nhiệm hình sự: Nếu luật sư có hành vi xúi giục người khác làm cho người đó có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội quy định trong Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) thì luật sư sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đó dưới hình thức đồng phạm.
Do đó, việc luật sư lách luật làm cho người khác có khả năng phạm tội thì luật sư cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.