Không tố giác tội phạm và trách nhiệm hình sự
Cập nhật 16/10/2018 08:17
Tình huống pháp luật:Trong trường hợp này ,người không tố giác tội phạm có phải chịu trách nhiệm hình sự không ? Tòa án tỉnh H mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị A theo cáo trạng của Viện Kiểm sát cùng cấp về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đơn tố giác của những người bị hại cho thấy Nguyễn Thị A cùng chồng là Trần Ngọc X vay của họ, hứa trả lãi suất cao…
Tình huống pháp luật:Trong trường hợp này ,người không tố giác tội phạm có phải chịu trách nhiệm hình sự không ?
Tòa án tỉnh H mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị A theo cáo trạng của Viện Kiểm sát cùng cấp về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đơn tố giác của những người bị hại cho thấy Nguyễn Thị A cùng chồng là Trần Ngọc X vay của họ, hứa trả lãi suất cao với số tiền lên đến hơn 5 tỷ đồng để kinh doanh; sau đó, hai vợ chồng họ bỏ trốn và người vợ bị cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh bắt giữ khi đang cùng chồng lẩn trốn tại một tỉnh ở khu vực Tây Nguyên cách xa địa phương bị cáo gây án hàng nghìn cây số. Tại bản Cáo trạng số 07/KSĐT ngày 6/3/2013, mặc dù có nêu sự việc bà Nguyễn Thị A bị bắt giữ khi “đang cùng chồng lẩn trốn” nhưng Viện kiểm sát tỉnh lại chỉ truy tố người vợ về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 140 Bộ Luật Hình sự. Đồng tình với Cáo trạng của Viện Kiểm sát, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án tỉnh H áp dụng các điều khoản vừa nêu, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị A 12 năm tù giam.
Người bị hại kháng cáo đề nghị Tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm xử lý hình sự đối với người chồng của bị cáo là ông Trần Ngọc X về hành vi không tố giác tội phạm đồng thời xử lý hai vợ chồng ông bà Nguyễn Thị A – Trần Ngọc X về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đề nghị Tòa soạn bình luận tình huống này.
Ý kiến của chúng tôi:
- Bị cáo A chiếm đoạt tài sản trên 5 tỷ đồng tức là “rơi” vào điểm a khoản 4 điều 140 Bộ Luật Hình sự “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên” thuộc trường hợp “bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”.
Căn cứ khoản 3 điều 8 Bộ luật Hình sự, người phạm tội bị kết án trong khung hình phạt “mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình” thuộc “tội phạm đặc biệt nguy hiểm”. Mức cao nhất trong khung hình phạt quy định tại khoản 4 điều 140 Bộ Luật Hình sự là “tù chung thân” nên hành vi của Nguyễn Thị A thuộc “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
- Tại khoản 2 Điều 22, Bộ Luật Hình sự quy định: Người không tố giác là chồng của người phạm tội “chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật này”. Cáo trạng số 07/KSĐT nêu sự việc bà Nguyễn Thị A bị bắt khi “đang cùng chồng lẩn trốn” chứng tỏ người chồng “biết rõ” hành vi phạm tội của vợ. Căn cứ các quy định của Bộ Luật Hình sự (khoản 3 điều 8; Điều 313; Điều 314), đối với người vợ phạm tội “đặc biệt nghiêm trọng”, người chồng “biết rõ” hành vi phạm tội của vợ mà không tố giác, thì người chồng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “không tố giác tội phạm”. Vì vậy, nguời bị hại kháng cáo đề nghị Tòa phúc thẩm TAND tối cao hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm xử lý hình sự đối với người chồng của bị cáo về hành vi “không tố giác tội phạm” quy định tại Điều 314 Bộ Luật Hình sự là có cơ sở và phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 250 Bộ Luật Tố tụng hình sự: “Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được”.
Nếu đề nghị của người bị hại được Tòa phúc thẩm chấp nhận, việc xử lý người có hành vi phạm tội trong vụ án này về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh.
- Bên cạnh đó, người bị hại trong vụ án đề nghị tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại theo hướng buộc ông Trần Ngọc X phải chịu trách nhiệm về hành vi “không tố giác tội phạm” quy định tại Điều 314 Bộ Luật Hình sự có thể coi là việc phát hiện “người phạm tội mới”. Trước tình huống này, Hội đồng xét xử phiên Tòa phúc thẩm có thể xem xét, áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ Luật Tố tụng hình sự: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra”.
Luật gia, nhà báo Nguyễn Chấn,
Chuyên viên cao cấp Công ty Luật TGS LawFirm