Tình huống thực tế:Về một vụ việc của độc giả hỏi và cần sự tư vấn và hướng dẫn của luật sư Luật TGS: Câu hỏi độc giả: Bố em mất 1995.Nhưng trước đó,năm 1993 bố em có làm lại sổ đỏ,đến năm 1994 được nhà nước cấp sổ đỏ mang tên bố em. Bố em có một người con là em. Hiện em đang sống với mẹ. Sổ đỏ hiện chú và cô em đang giữ và nói em không có quyền gì.Khẳng định…
Tình huống thực tế:Về một vụ việc của độc giả hỏi và cần sự tư vấn và hướng dẫn của luật sư Luật TGS:
Câu hỏi độc giả:
Bố em mất 1995.Nhưng trước đó,năm 1993 bố em có làm lại sổ đỏ,đến năm 1994 được nhà nước cấp sổ đỏ mang tên bố em. Bố em có một người con là em. Hiện em đang sống với mẹ. Sổ đỏ hiện chú và cô em đang giữ và nói em không có quyền gì.Khẳng định đất đó là đất chung của bà nội và nguồn gốc của ông bà ngoại bên nội để lại. Bố em chỉ đứng tên, ai đứng tên cũng được,không quan trọng. Ông nội ở với vợ nhỏ mất năm 2018, bà nội mất (2002).Ông bà em có 3 người con bố em, cô, chú. Sự việc tranh chấp đã 10 năm nay, cô chú khẳng định đất đó là của bà nội đã chung chia làm 4. Hiện giờ một nửa em trồng cây và một nửa chú trồng cây.
Cách đây vài tháng con trai của cô đã tự ý cùng ông chú xây xưởng cơ khí trên mảnh đó mà không cần hỏi ý kiến ai?
Vậy cho em hỏi việc làm này có phải là mục đích chiếm đoạt đất?
Dạ cho em hỏi em và mẹ có quyền lợi gì không?
Hướng tiếp theo để em và mẹ nên làm gì?
Đã gửi đơn ra toà nhưng không được thụ lí vì em và mẹ không có chứng cứ do ông chú đang giữ.”
Luật sư trả lời: Về vấn đề gia đình bạn gặp phải,bạn có hai hướng giải quyết như sau:
Trường hợp 1: Gia đình nên thỏa thuận với nhau.
Việc thỏa thuận giữa các bên chia thừa kế mảnh đất đó theo phương án có lợi cho các bên. Tránh kiện tụng kéo dài. Nếu không bạn sẽ thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế, thì bạn và mẹ bạn là những người hưởng thừa kế hợp pháp mảnh đất đó. Khi đó, cô chú sẽ không được lợi gì.
Trường hợp 2: Gia đình bạn không thỏa thuận được.
Nên làm thủ tục chia thừa kế mảnh đất đó (coi như bị thất lạc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – do không có chứng cứ chứng minh là người chú đang giữ): Để chứng minh mảnh đất đó của bố bạn.
Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì bố của bạn có một mảnh đất có sổ đỏ mang tên mình và khi ông mất không có di chúc. Để xử lý vấn đề về mảnh đất trên thì cần phải dựa trên quy định sau của Bộ Luật dân sự 2015:
Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
- Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
- a) Không có di chúc;
- b) Di chúc không hợp pháp;
- c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
- Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
- a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, theo điểm a khoản 1 điều 650 thì việc bố của bạn không có di chúc thì mảnh đất sẽ được tiến hành chia thừa kế theo pháp luật và khi đó thì mảnh đất sẽ được chia theo điều 651. Theo đó, bạn và mẹ của bạn là người được hưởng thừa kế hợp pháp mảnh đất đó (Điểm a Khoản 1 Điều 651 BLDS ).
Bạn chỉ cần làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất để nhận di sản mà bố bạn để lại, giầy tờ liên quan cần nộp kèm:
– Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Giấy khai sinh của những người khai nhận di sản thừa kế.
– Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế.
– Một bản Sơ yếu lý lịch của một trong những người khai nhận di sản thừa kế (đã có xác nhận của UBND phường, xã hoặc cơ quan có thẩm quyền).
– Giấy tờ về di sản thừa kế như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với trường hợp gia đình bạn đang bị thất lạc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên người đã mất. Theo nguyên tắc chủ sở hữu có quyền yêu cầu cấp lại tuy nhiên chủ sở hữu đã mất. Do đó, để hoàn thành hồ sơ yêu cầu công chứng thì gia đình có thể liên hệ tới UBND quận/ huyện nơi có đất xin xác nhận “ông bà đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày… tháng…năm, số ô, số thửa, diện tích, vị trí”. Khi tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất nhận đủ hồ sơ chứng minh người chết có tài sản để lại thì họ sẽ giải quyết trường hợp của gia đình.
Sau khi bạn làm xong thủ tục khai nhận di sản thừa kế, bạn cần làm hồ sơ để nộp tới Phòng Tài nguyên và môi trường cấp huyện để yêu cầu thực hiện việc sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên của bạn.
Hồ sơ sang tên trong trường hợp này gồm những giấy tờ sau:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
– Chứng minh thư nhân dân/ Thẻ căn cước công dân của bạn;
– Hộ khẩu thường trú của bạn;
– Văn bản khai nhận di sản thừa kế;
– Biên lại lệ phí trước bạ phải nộp. Trường hợp của bạn là nhà, đất nhận thừa kế giữa cha đẻ với con đẻ nên bạn sẽ được miễn tiền lệ phí trước bạ theo quy định tại khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ. Nên bạn chỉ cần cung cấp thêm Giấy khai sinh của bạn để chứng minh mình là con ruột của bố bạn là được.
Căn cứ theo quy định tại Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai thì thời gian thực hiện thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 10 ngày.
Hoàn thành xong thủ tục, bạn sẽ nộp đơn khởi kiện về trường hợp người chú cho xây dựng xưởng cơ khí trái phép trên phần đất bạn và mẹ bạn được hưởng quyền thừa kế hợp pháp. Khi đó, tòa sẽ có căn cứ giải quyết trường hợp của gia đình bạn.