Mới đây, dư luận xã hội lại có “dịp” xôn xao khi một clip dài khoảng 2 phút với tiêu đề “Giám đốc công ty bảo vệ nổ súng đe doạ phụ nữ” được lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội. Đoạn clip ghi lại cảnh cãi vã giữa người phụ nữ đi xe máy với một người đàn ông to béo. Người phụ nữ lớn tiếng cho rằng công ty do người đàn ông kia làm giám đốc đã không trả…
Mới đây, dư luận xã hội lại có “dịp” xôn xao khi một clip dài khoảng 2 phút với tiêu đề “Giám đốc công ty bảo vệ nổ súng đe doạ phụ nữ” được lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội. Đoạn clip ghi lại cảnh cãi vã giữa người phụ nữ đi xe máy với một người đàn ông to béo. Người phụ nữ lớn tiếng cho rằng công ty do người đàn ông kia làm giám đốc đã không trả lương cho con trai mình. Sau khi khẳng định có giấy hẹn sẽ trả lương vào tháng sau cho nhân viên, người đàn ông tức tối, chửi tục, rút súng, lên đạn rồi hướng thẳng vào người phụ nữ. Người phụ nữ đưa đầu thách thức “Bắn đi, bắn đi, bắn trúng đầu nè”. Ngay lập tức, người đàn ông này chĩa súng lên trời và bóp còi, đến lần thứ 3 thì có tiếng nổ kèm theo làn khói nhạt.
Dựa vào nội dung đoạn clip nêu trên cũng như các thông tin điều tra ban đầu của lực lượng công an thì người đàn ông trong đoạn clip này được xác định là ông Bùi Đức Phương – Giám đốc công ty dịch vụ bảo vệ Việt Nhật. Sự việc được cho là xuất phát từ việc anh Bùi Hữu Phúc (18 tuổi, là con trai bà Thúy – người phụ nữ trong đoạn clip) từng làm nhân viên bảo vệ công ty dịch vụ bảo vệ An ninh Việt Nhật. Anh Phúc đã nghỉ việc từ cách đây khoảng 2 tháng. Trong quá trình làm việc thì phía công ty của ông Phương còn nợ lương của anh Phúc gần 5 triệu đồng. Nhiều lần anh Phúc tìm cách gặp gỡ để yêu cầu phía công ty trên thanh toán cho anh nhưng không được. Sau đó, chiều 5/12, anh Phúc cùng bà Thúy đến trụ sở công ty TNHH dịch vụ bảo vệ An ninh Việt Nhật để đòi tiền. Khi tới công ty, cả 2 đề nghị gặp lãnh đạo của công ty yêu cầu chi trả tiền nợ lương cho con trai bà nhưng bị đuổi ra ngoài. Trong lúc ra ngoài giữa bà Thúy và ông Phương – Giám đốc công ty lớn tiếng với nhau rồi sau đó sự việc được 1 người dân ghi lại như trong đoạn clip. Ngoài ra, thông qua điều tra, cơ quan điều tra cũng phát hiện ra một thẻ công an nhân dân giả có số hiệu, tên tuổi, hình ảnh, chức vụ vủa ông Phương với đơn vị công tác là phòng cảnh sát hình sự PC45 Công an thành phố Hồ Chí Minh.
Giám đốc nổ súng đe dọa phụ nữ
Ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Tuấn về sự việc nói trên:
Qua cuộc trao đổi với Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn – Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội (cũng đồng thời là Giám đốc -Công ty TNHH NewVision Law), Luật sư có một số quan điểm pháp lý, như sau:
Thứ nhất, hành vi sử dụng súng: Trách nhiệm hành chính hay hình sự?
Để xác định chính xác trách nhiệm pháp lý trong trường hợp nói trên thì việc xác định khẩu súng mà ông Phương sử dụng là loại vũ khí quân dụng hay công cụ hỗ trợ là vô cùng quan trọng. Như thông tin mà cơ quan điều tra đã cung cấp thì khẩu súng mà ông Phương sử dụng là súng hơi cay hiệu RG88 do Đức sản xuất, có số hiệu và có một giấy phép sử dụng đến năm 2021. Theo điểm a khoản 9 Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì đây được xác định là công cụ hỗ trợ. “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ” chính là một trong những đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ (theo quy định tại Điểm đ khoản 1 Điều 19 Nghị định 25/2012/NĐ-CP của Chính Phủ) và thực tế Công ty Việt Nhật đang hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ đã được cấp phép sử dụng công cụ hỗ trợ, có số seri và có giấy đăng ký sử dụng súng công cụ hỗ trợ đầy đủ. Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc sử dụng súng cho dù là công cụ hỗ trợ cũng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 22, Điều 33 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 30/6/2011, Điều 14 Nghị định 25/2012/NĐ-CP ngày 5/4/2012 của Chính phủ và quy định tại Thông tư 30/2012/TT-BCA của Bộ Công An thì: Công cụ hỗ trợ khi mang ra sử dụng phải được thủ trưởng cho phép và ghi vào hồ sơ của cơ quan, đơn vị, đồng thời phải mang theo giấy phép sử dụng. Giám đốc doanh nghiệp tuy là người đại diện theo pháp luật của công ty, nhưng việc sử dụng vẫn phải đáp ứng các điều kiện về quản lý, sử dụng, không được tự ý mang công cụ hỗ trợ là súng ra khỏi công ty. Đồng thời, người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ cũng chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật quy định và trong đó hoàn toàn không có trường hợp “giám đốc tự ý bắn để hù doạ người khác” hay sử dụng công cụ hỗ trợ để giải quyết các mâu thuẫn cá nhân như trong đoạn clip trên. Do đó, tuỳ vào mức độ vi phạm và hậu quả gây ra là “nghiêm trọng hay không nghiêm trọng” mà ông Phương có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả” theo điểm d khoản 3 Điều 10 Nghị định 167/2013 Chính phủ, với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật hoặc tước quyền sử dụng công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng; Hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ (Điều 233 Bộ Luật hình sự).
Thứ hai, có hay không hành vi đe doạ giết người theo Điều 103 Bộ luật hình sự?
Tại Điều 103 Bộ Luật hình sự quy định về tội đe doạ giết người như sau:
“Điều 103. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”
Với câu hỏi này, có nhiều quan điểm máy móc chỉ đọc theo bình luận khoa học điều 103 BLHS cho rằng: Hành vi đe dọa là có, nhưng chưa thỏa mãn làm cho nạn nhân sợ, thì không cấu thành tội theo điều luật trên. Đây là cách hiểu máy móc theo bình luận chủ quan chưa đầy đủ tinh thần của điều luật 103 BLHS, nếu không coi hành vi đe dọa, nổ súng là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là thật sự nguy hiểm. Theo tôi việc cho rằng nạn nhân không sợ chỉ là cảm tính, trong khi lúc đó làm sao biết được suy nghĩ của nạn nhân lúc đó có thật sự là sợ hay không? Rất khó để thuyết phục được rằng một người phụ nữ bị dí súng vào đầu lại hoàn toàn không sợ hãi. Sẽ ra sao nếu những hành vi tương tự như vậy xảy ra mà không có một chế tài xử phạt đủ sức dăn đe? Do vậy, xuất phát từ tính nguy hiểm của hành vi, trên tinh thần thực thi pháp luật không máy móc tôi cho rằng đã có hành vi đe doạ giết người trong trường hợp nói trên.
Thứ ba, đối với việc phát hiện thẻ công an hình sự giả của ông Phương, tôi cho rằng cần phải xác định được nguồn gốc thẻ cũng như động cơ của ông Phương khi sử dụng thẻ công an hình sự giả là gì để có chế tài xử lý phù hợp. Tuỳ vào mục đích sử dụng thẻ công an hình sự giả mà ông Phương có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phù hợp với mục đích phạm tội (ví dụ như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Ngoài ra, hành vi làm giả thẻ công an có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức (theo Điều 267 Bộ Luật hình sư).
Với những tình tiết nêu trên, tôi cho rằng hành vi bắn súng chỉ thiên để đe doạ người khác của ông Phương không thể chấp nhận được và tôi mong muốn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ điều tra thật chính xác, xử lý thật nghiêm minh để không tạo tiền lệ xấu cho xã hội.