Tóm tắt sự việc: Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền nhanh chóng Clip Video có tiêu đề “Thanh niên giả làm IS đánh bom khiến người dân Thành phố Hà Nội sợ phát khiếp” gây xôn xao dư luận. Theo đó, nội dung Clip video ghi lại cảnh một nam thanh niên mặc áo choàng trắng, trùm khăn kín đầu, bịt khẩu trang, tay ôm một vật giống như khối thuốc nổ và một đầu dây đang cháy quăng vào chỗ đông…
Tóm tắt sự việc:
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền nhanh chóng Clip Video có tiêu đề “Thanh niên giả làm IS đánh bom khiến người dân Thành phố Hà Nội sợ phát khiếp” gây xôn xao dư luận.
Theo đó, nội dung Clip video ghi lại cảnh một nam thanh niên mặc áo choàng trắng, trùm khăn kín đầu, bịt khẩu trang, tay ôm một vật giống như khối thuốc nổ và một đầu dây đang cháy quăng vào chỗ đông người. Mọi người thấy vậy đã vô cùng hoảng sợ và bỏ chạy. Hành vi của nhóm thanh niên khiến cộng đồng bức xúc, đề nghị cơ quan chức năng cần sớm xác minh và có hình thức xử phạt nghiêm hành vi này dù là đùa vui.
Sau nhiều ngày điều tra, Phòng Công an cảnh sát PC 50 Công an Thành phố Hà Nội đã phát hiện và tạm giữ 5 đối tượng xuất hiện trong clip nói trên, 5 đối tượng gồm có tên sau: Nguyễn Thành Nam (22 tuổi ở thị trấn Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) – người có ý tưởng và khởi xướng việc làm video, Vương Sơn Lâm (22 tuổi, trú tại huyện Gia Lâm), Đào Khôi Nguyên (20 tuổi, trú tại thành phố Thái Bình), Vũ Minh Thắng (20 tuổi, trú tại huyện Thường Tín) và Bùi Quang Minh (20 tuổi, trú tại quận Ba Đình).Hiện nay, Phòng Công an cảnh sát PC 50 Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, hành vi của nhóm thanh niên trên xuất phát từ việc thiếu hiểu biết pháp luật và rất đáng lên án, gây ảnh hưởng đến tinh thần và hoạt động của người dân nơi công cộng, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng và sợ hãi. Vấn đề đặt ra là nên xử lý vụ việc như thế nào để vừa mang tính răn đe, giáo dục nhóm thanh niên, vừa tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến mọi người nói để sẽ không có những vụ việc tương tự như thế này tiếp diễn?
Hành vi quay Video clip giả khủng bố của nhóm thanh niên:
Nhóm đối tượng vi phạm đều có tuổi đời còn rất trẻ ( từ 20 đến 22 tuổi), đang trong giai đoạn suy nghĩ chưa chín chắn, bốc đồng, thích nổi tiếng. Có lẽ đây là lý do nhóm đối tượng này thực hiện video kể trên để ngoài mục đích gây sự chú ý của mọi người còn nhằm mục đích thu tiền quảng cáo dựa vào lượt xem trên mạng xã hội youtube, trước đây nhóm cũng đã thực hiện khá nhiều clip khác và thu lợi nhuận bằng cách này.
Tuy nhiên, dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng tất cả các thành viên nhóm đối tượng trên đều đã là người thành niên, có ý thức và năng lực hiểu biết pháp luật nhất định. Như vậy, họ phải nhận thức được rằng hành vi dàn dựng, quay và phát tán video clip “giả khủng bố IS” trên mạng xã hội là hoàn toàn không nên. Cả thế giới đã và đang bàng hoàng, lo sợ về những thảm kịch khủng bố do tổ chức hồi giáo cực đoan IS gây ra, nỗi lo sợ về các vụ đánh bom, thảm sát vẫn luôn là vấn đề mang tính thời sự, nhức nhối trong lòng mọi người. Vì vậy, hành vi dàn dựng clip giả IS của nhóm thanh niên trên rõ ràng là hành vi thiếu hiểu biết và cần phải được xử lý nghiêm minh.
Ý kiến của luật sư Tuấn về việc Nhóm 9x dàn dựng Clip “Khủng bố đặt bom có thể bị xử tội gì”? được đăng tải trên báo pháp luật Việt nam số 460(T11/2016) chuyên mục Câu chuyện pháp luật
Ý kiến của Luật sư:
Qua cuộc trao đổi với Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn – Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội (cũng đồng thời là Giám đốc -Công ty TNHH NewVision Law), Luật sư có một số quan điểm pháp lý, như sau:
Chế tài nào để xử lý hành vi quay clip giả khủng bố?
Về nguyên tắc, với hành vi giả khủng bố quăng bom là hành vi đe dọa người dân cần phải xử lý thật nghiêm. Tuy nhiên khi xem xét đến hành vi của các đối tượng cần đánh giá khách quan, chính xác và đầy đủ xem liệu hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay chưa? Nếu cấu thành tội phạm thì vi phạm điều nào, khoản nào của Bộ Luật Hình sự hiện hành?
Vụ việc trên có thể xem xét xử lývi phạm theo một trong hai quy định của pháp luật hiện hành của Bộ Luật Hình sự, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Tội gây rối trật tự công cộng:
Tại Điều 245 Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định:
“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
b) Có tổ chức;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối …”.
Trên thực tế hành vi của nhóm thanh niên chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nên có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 2013 thay vì truy tố trách nhiệm hình sự. Việc xử lý phạt vi phạm hành chính vừa mang tính chất răn đe, giáo dục cá nhân người có hành vi vi phạm nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung, vừa thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo của pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính:
Mặt khác, sau khi dàn dựng video clip quăng bom nơi công cộng, các đối tượng đã đưa lên mạng xã hội Youtube để mục đích kiếm tiền quảng cáo từ lượt xem của mọi người.Đây là hành vi đưa trái phép các thông tin trên mạng Internet nên các đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo Điều 226 Bộ Luật hình sự hiện hành.
Tại Khoản 1,Điều 226 Bộ Luật hình sự quy định:
“1. Người nào sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, cũng như đưa vào mạng máy tính những thông tin trái với quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Tùy theo sự đánh giá về tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà các đối tượng đã gây ra thì các cơ quan chức năng có thể xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo Điều 226 Bộ Luật hình sự hoặc xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/11/2013 quyđịnh về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần sô vô tuyến điện.
Đây cũng có thể coi là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những thanh niên trẻ ham mê “sống ảo”, thích nổi tiếng hiện nay. Cần ý thức được hậu quả của những hành vi mình gây ra, cũng như làm chủ được hành vi của mình để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra./.