Tình trạng giá thuốc trong viên bệnh viện là khá cao so với giá thuốc bán lẻ ngoài thị trường là một nghịch lý vốn đã xảy ra từ lâu tại các bệnh viện lớn nhỏ tại Việt Nam. Bộ Y tế từ lâu đã đưa phương pháp quản lý, điều chỉnh giá thuốc chính là đấu thầu thuốc, với mục đích bình ổn giá thuốc, các thuốc của các nhà sản xuất khác nhau với hoạt chất giống nhau sẽ có mức giá tương…
Tình trạng giá thuốc trong viên bệnh viện là khá cao so với giá thuốc bán lẻ ngoài thị trường là một nghịch lý vốn đã xảy ra từ lâu tại các bệnh viện lớn nhỏ tại Việt Nam.
Bộ Y tế từ lâu đã đưa phương pháp quản lý, điều chỉnh giá thuốc chính là đấu thầu thuốc, với mục đích bình ổn giá thuốc, các thuốc của các nhà sản xuất khác nhau với hoạt chất giống nhau sẽ có mức giá tương tự và cũng giảm việc đẩy giá thuốc lên cao. Tuy nhiên, phương án này cũng chưa thể hiện được hiệu quả như mong muốn.
Tại bệnh viện E, giá trúng thầu thuốc của cơ sở này còn cao hơn giá thị trường và giá bán lẻ của các cửa hàng thuốc bên ngoài và giá thuốc khi đến tay của bệnh nhân lại “đội giá” lên một cách bất bình thường và gây ra sự hoang mang cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Để lý giải cho hiện tượng này, các bệnh viện cho biết giá thuốc ngoài thị trường rẻ hơn là do các cửa hàng đặt mua hàng còn ít hạn sử dụng hoặc các cửa hàng này đã thu mua lại thuốc của bệnh nhân dùng không hết với giá rẻ hơn, chưa kể các cửa hàng này có thể còn bán thuốc không rõ nguồn gốc. Đây là những lý do khá khiên cưỡng và không hợp lý, vẫn gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Để rõ hơn về sự việc này, chúng tôi đã mời Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS để trao đổi một số vấn đề pháp lý liên quan.
Giá thuốc trúng thầu của bệnh viện E cao hơn giá thị trường và giá bán lẻ. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của cơ quan nào?
Về việc đấu thầu thuốc, có một quy trình cụ thể đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 15/2019/TT-BYT. Quy trình bao gồm: Thủ trưởng cơ sở y tế lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, sau đó trình duyệt kế hoạch lên cơ quan có thẩm quyền để cơ quan này thẩm định và phê duyệt kế hoạch. Khi kế hoạch được thông qua, cơ sở y tế tiến hành mời thầu thông quan bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được thẩm định bởi đơn vị mà Thủ trưởng cơ sở chỉ định. Giai đoạn đấu thầu thì được thực hiện như sau, khi nhận được hồ sơ mời thầu và hồ sơ yêu cầu, các đơn vị tham gia đấu thầu gửi bộ hồ sơ dự thầu, sau đó cơ sở y tế đánh giá hồ sơ dự thầu theo những tiêu chuẩn được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật và nhu cầu của mình. Để sửa lỗi và hiệu chỉnh lại sai lệch, cũng như bàn bạc lại về giá cả, phương thức thực hiện thì cơ sở ý tế tổ chức mời các nhà thầu đến để thương thảo hợp đồng. Khi thương thảo thành công, cơ sở y tế xét duyệt trúng thầu và lựa chọn nhà thầu chính thức và báo cáo trình thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu để thẩm định và phê duyệt kết quả trúng thầu. Cuối cùng, cơ sở y tế cùng với nhà thầu trúng thầu cùng hoàn thiện các thỏa thuận và ký hợp đồng.
Đây là quy trình chi tiết, trải qua nhiều bước và cần phải xét duyệt nhiều lần. Về giá thuốc thì trong toàn bộ quá trình nêu trên Thủ trưởng cơ sở y tế cần phải lựa chọn mức giá phù hợp. Còn cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định tại Điều 17, Thông tư 15 bao gồm:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ hoặc cơ quan được phân cấp chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc của các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý.
Còn đối với các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, thành phố thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc.
Người chịu trách nhiệm trước pháp luật của cơ sở y tế hoặc người được ủy quyền bởi người chịu trách nhiệm trước pháp luật của cơ sở y tế chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc đối với cơ sở y tế không thuộc hai trường hợp trên.
Các cơ quan trên đều có vai trò trong việc quyết định giá thuốc trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đối với giá thuốc trúng thầu, tại Điều 36 Thông tư 15 quy định: “Giá trúng thầu của từng thuốc không được cao hơn giá của thuốc đó trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được người có thẩm quyền phê duyệt và không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đó”. Do vậy giá thuốc trúng thầu cao so với giá thị trường chưa kể giá khi đến tay bệnh nhân, trách nhiệm thuộc về toàn bộ các cơ quan từ Thủ trưởng cơ sở y tế cho đến cơ quan quản lý.
Theo Luật sư Tuấn, việc đấu thầu thuốc cần có sự công khai hơn đồng thời cũng cần sự minh bạch về giá bán thuốc ngay từ các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế này. Hạn chế tình trạng “biến hóa khôn lường” giá thuốc dựa vào những “bàn tay vô hình” nào đó nhằm chuộc lợi cho nhóm lợi ích trên máu thịt của các bệnh nhân, những người có nhu cầu thiết yếu.
Giá thuốc trúng thầu cao hơn giá thị trường có vi phạm Luật đấu thầu không thưa ông?
Luật sư Tuấn cho biết, trong Luật đấu thầu không quy định về giá cả trong kế hoạch đấu thầu, cũng như giá trúng thầu so sánh với giá thị trường thì như thế nào? Tuy nhiên Luật Đấu thầu năm 2013 lại quy định về một số hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu có khả năng làm thay đổi đến mức giá như hành vi: Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu (Thỏa thuận nhằm đưa một bên thắng thầu); Gian lận bằng cách trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;… (Theo Điều 89, Luật Đấu thầu 2013)
Tuy nhiên, cần phải có sự điều tra rõ ràng của các cơ quan có thẩm quyền bao gồm Thanh tra Bộ Y tế hoặc cơ quan Công an thì mới có thể có căn cứ để thực hiện các biện pháp xử lý cho phù hợp.
Nếu cơ quan quản lý không quản lý được vấn đề này thì đơn vị nào sẽ xử lý tiếp theo?
Luật sư Tuấn cung cấp thông tin liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cụ thể tại Chương 3, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt bao gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thanh tra y tế, Quản lý thị trường, Công an nhân dân và một số các cơ quan khác. Tùy thuộc vào mức độ hành vi vi phạm về y tế và của đối tượng mà việc xử lý sẽ thuộc trách nhiệm của từng đơn vị theo quy định.
Còn trong việc quản lý không làm tròn nhiệm vụ của mình, người dân hoàn toàn có quyền phản ánh, kiến nghị lên các cơ quan cấp trên bao gồm: Bộ Y tế, Thanh tra bộ Y tế và Thủ tướng chính phủ để được xem xét, thanh tra lại quy trình tổ chức đấu thầu này cũng như về giá bán thuốc của các nhà thuốc trong bệnh viện.
Giá thuốc tại Bệnh viện E nếu bán vượt so với giá quy định liệu có vi phạm luật hay không? Dựa theo những điều khoản luật nào? Hình thức xử lý của những vi phạm này như thế nào?
Luật sư Tuấn nhận định, hành vi bán thuốc vượt quá mức quy định là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Theo Điều 47, Nghị định 176/2013 quy định chế tài với hành vi vi phạm về quản lý giá thuốc thì đơn vị có hành vi bán thuốc cao hơn giá thuốc kê khai do đối tượng có trách nhiệm phải kê khai giá thuốc theo quy định của pháp luật và nhà thuốc bệnh viện có hành vi bán cao hơn thặng số bán lẻ tối đa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì mức xử phạt cao nhất là 20 triệu đồng.
Còn hành vi mua thuốc với giá thuốc trúng thầu có mức chênh lệch giữa giá đề nghị trúng thầu của mặt hàng thuốc chứa hoạt chất được áp dụng so với giá trị gốc tính thặng số của mặt hàng thuốc đó vượt mức thặng số bán buôn tối đa toàn chặng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định sẽ bị xử phạt tới 30 triệu đồng.
Riêng với hành vi bán gia thuốc cao hơn giá thuốc kê khai, các cơ sở vi phạm còn phải hoàn trả toàn bộ số tiền chênh lệch, nếu không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước.