Sau nhiều năm nghiên cứu, soạn thảo, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, báo chí, các nhà nghiên cứu…thành phố Hà Nội sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử vào ngày 1/1/2017. Lần này, Sở VH-TT Hà Nội đã xây dựng đồng thời hai bộ quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên…
Sau nhiều năm nghiên cứu, soạn thảo, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, báo chí, các nhà nghiên cứu…thành phố Hà Nội sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử vào ngày 1/1/2017.
Lần này, Sở VH-TT Hà Nội đã xây dựng đồng thời hai bộ quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội có 6 chương, 16 điều, với mục đích xây dựng nền hành chính Thủ đô chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả.Đối tượng áp dụng của Bộ quy tắc là công chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội.Bộ quy tắc đưa ra các nguyên tắc ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản như: quy tắc ứng xử chung; ứng xử với đồng nghiệp; ứng xử với người dân; ứng xử giữa các cơ quan.
Một số quy tắc cụ thể được đưa ra như:
Cán bộ, công chức đi làm việc phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối, không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp…
Không nói tục, không tụ tập làm việc riêng trong hoặc ngoài cơ quan; không nấu nướng thực phẩm trong phòng làm việc.
Không hút thuốc; không sử dụng đồ uống có cồn; không hát karaoke trong giờ làm việc; không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, xem tivi, nghe đài, chơi điện tử trong giờ hành chính.
Không lưu giữ, phát tán hình ảnh có nội dung đồi truỵ; không có hành vi quấy rối dưới mọi hình thức, kể cả bằng lời nói, cử chỉ…
Trong quan hệ ứng xử với đồng nghiệp, không đố kỵ lôi kéo để tạo phe nhóm.Với cấp trên, không xu nịnh để lấy lòng và trục lợi; không biếu quà cấp trên vì mục tiêu thăng quan, tiến chức, lợi ích riêng trong công việc.
Cấp trên ứng xử với cấp dưới phải gương mẫu, quan tâm, sâu sát, công bằng, dân chủ, bao dung, chia sẻ, kỷ luật nghiêm minh, bảo vệ cấp dưới.
Trong quy tắc ứng xử với người dân, cán bộ công chức không được gợi ý để nhận tiền, quà biếu và không được gây căng thẳng, bức xúc hoặc uy hiếp, tấn công người dân.“Nếu có va chạm cần nghiêm túc nhận khuyết điểm và chủ động giải quyết với tư cách cá nhân, không ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, tổ chức”, Bộ quy tắc nói rõ.
Với những cán bộ công chức thực hiện tốt các quy tắc ứng xử này sẽ được biểu dương, khen thưởng. Còn những công chức vi phạm sẽ bị phê bình công khai trong cơ quan, đơn vị.
Tạm không đề cập đến những quy tắc trong bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, bài viết này tập trung xem xét một số quy tắc trong bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước thành phố Hà Nội mới đề cập kể trên dưới góc độ pháp lý, liệu những quy tắc kể trên có vi phạm quyền cá nhân hay không ?
Ý kiến bình luận của Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn:
Liên quan đến vấn đề về bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội kể trên, Luật sư Tuấn – đại diện Công ty Luật NewVision có ý kiến như sau:
Hiện nay, đã có luật Cán bộ công chức, luật cán bộ viên chức để điều chỉnh các đối tượng là công chức, viên chức nhà nước.Đặc biệt, riêng Hà Nội thì còn có Luật thủ đô.Vậy, vấn đề đặt ra là tại sao lại cần ban hành thêm một bộ quy tắc ứng xử nữa cho thêm phần rối rắm, rắc rối để “luật đè luật” tình trạng này xảy ra rất phổ biến ở Việt Nam.
Hơn nữa, công chức, viên chức Hà Nội có đặc điểm gì đặc biệt, đặc thù so với các địa phương khác trong cả nước mà cần phải có bộ quy tắc ứng xử riêng ?
Mặt khác, luật cán bộ, công chức đã giành hẳn một mục để quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp ứng xử của cán bộ, công chức. Vậy, tại sao lại phải dùng thêm một bộ quy tắc ứng xử nữa trong khi nội dung của bộ quy tắc ứng xử này cũng có phần nào trùng lặp với những nội dung mà luật cán bộ công chức, luật viên chức đã quy định trước đó. Điều này rõ ràng là không cần thiết.
Thứ hai, dưới góc độ pháp lý, một số quy định trong bộ nguyên tắc ứng xử này có phần nào đó chưa hợp lý và khả năng khi đi vào áp dụng đời sống thực tiễn có lẽrất khó khăn:
Ví dụ cụ thể như nguyên tắc: “Cán bộ công chức đi làm việc phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối, không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp…”. Có nhiều điểm không hợp lý về nội dung nguyên tắc này như “sử dụng trang sức, nước hoa phải phù hợp”. Có một câu hỏi đặt ra ở đây là như thế nào là “…sử dụng một cách phù hợp” thì bộ nguyên tắc này lại không lý giải rõ ràng. Xét theo khía cạnh thực tế, tiêu chuẩn giá trị thẩm mỹ quan của mỗi cá nhân là khác nhau, không thể áp đặt tiêu chuẩn thẩm mỹ chung như thế được. Có thể đối với người này là phù hợp nhưng người khác thì không.Hay quy định “ không xăm hình, vẽ hình phản cảm”, hiện nay việc xăm hình diễn ra khá phổ biến, không thể lấy tiêu chuẩn “ xăm hình” để đánh giá về đạo đức của cá nhân nói chung hay đạo đức của công chức, cán bộ nói riêng được. Thiết nghĩ, nếu đó là hình xăm không gây phản cảm, hay hình xăm ở vị trí bình thường không thể nhận biết thì đều có thể chấp nhận được chứ không bắt buộc phải cấm tuyệt đối như vậy.
Hay nguyên tắc: “Cấp trên ứng xử với cấp dưới phải gương mẫu, quan tâm, sâu sát, công bằng, dân chủ, bao dung, chia sẻ, kỷ luật nghiêm minh, bảo vệ cấp dưới”. Trong mối quan hệ công việc, tiêu chuẩn đặt ra là hành vi như thế nào thì được gọi là bao dung, và như thế nào thì được gọi là bao che. Cấp trên nên có thái đối như thế nào thì mới được coi là “ bao dung, chia sẻ, kỷ luật nghiêm minh, bảo vệ cấp dưới” mà không phải là bao che tội lỗi cho cấp dưới.
Nói tóm lại, trên đây chỉ là hai trong số nhiều quy tắc được đặt ra trong bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội. Có thể thấy, mặc dù bộ quy tắc này không thể được coi là vi phạm quyền tự do cá nhân, nhưng bản thân nó còn có rất nhiều điểm bất cập, hạn chế. Vì vậy, Luật sư Tuấn cho rằng: “Điều cần thiết là cần phải chỉnh đốn lại tác phong làm việc của cán bộ, công chức nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng, để tránh những vụ việc đáng tiếc như vừa rồi để không xảy ra thêm nữa. Nhưng không nhất thiết phải ban hành riêng một bộ quy tắc ứng xử cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố Hà Nội như vậy. Hoặc trường hợp cần ban hành một bộ quy tắc thì cần xem xét lại cụ thể từng nguyên tắc để có thể thật sự phù hợp với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội. Bởi lẽ, bản thân những đối tượng này đều là tầng lớp tri thức, họ hoàn toàn có thể nhận thức được thế nào là phù hợp với tiêu chuẩn công sở, thuần phong mỹ tục. Nên tập trung điều chỉnh về tác phong làm việc thay vì hình thức bên ngoài như vậy”.