Tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử lý ra sao?
Cập nhật 17/12/2016 08:25
Newvision Law xin giới thiệu đến các bạn đọc khi tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp được quy định theo điều khoản nào, vi phạm sẽ bị xử lý ra sao? Theo khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 thì: “Doanh nghiệp là một tổ chức có tên riêng…”. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể lựa chọn tên gọi của mình một cách tự do mà phải đảm bảo được các điều kiện nhất định của…
Newvision Law xin giới thiệu đến các bạn đọc khi tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp được quy định theo điều khoản nào, vi phạm sẽ bị xử lý ra sao?
Theo khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 thì: “Doanh nghiệp là một tổ chức có tên riêng…”. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể lựa chọn tên gọi của mình một cách tự do mà phải đảm bảo được các điều kiện nhất định của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan đã đặt ra. Và một trong những vấn đề cần lưu ý đối với các doanh nghiệp khi đặt tên đó là không được xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Khoản 1 Điều 19 Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Doanh nghiệp không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp; trừ trường hợp nhận được dự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó.
Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ được xử lý như sau:
Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên gọi cho phù hợp. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có nghĩa vụ cung cấp cho Phòng Đăng ký kinh doanh các tài liệu sau:
- Văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (bản sao hợp lệ);
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp (Bản sao hợp lệ ).
Sau khi nhận được thông báo của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp về việc quyền sở hữu công nghiệp bị xâm phạm, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp xâm phạm đổi tên doanh nghiệp.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ như trên, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm phải đổi tên doanh nghiệp và tiến hành thủ tục thay đổi tên trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày ra Thông báo. Kết thúc thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không thay đổi tên theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện trong thời hạn do pháp luật quy định thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm sẽ thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2014. Trường hợp doanh nghiệp không tiến hành báo cáo thì Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2014.