Một số điểm mới của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại điều 201 Bộ luật hình sự 2015 : BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định xử lý hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng nhưng quy định này được đánh giá là còn mơ hồ, thiếu hướng dẫn nên thực tế có rất ít trường hợp cho vay lãi nặng bị xử lý hình sự. Do đó, BLHS…
Một số điểm mới của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại điều 201 Bộ luật hình sự 2015 :
BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định xử lý hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng nhưng quy định này được đánh giá là còn mơ hồ, thiếu hướng dẫn nên thực tế có rất ít trường hợp cho vay lãi nặng bị xử lý hình sự. Do đó, BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường tính minh bạch, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.

Thứ nhất, bổ sung cụm từ “trong giao dịch dân sự” vào tên tội danh :
Theo quy định tại điều này, người phạm tội này chỉ trong phạm vi giao dịch dân sự, nghĩa là giữa người phạm tội và nạn nhân có việc vay mượn thông qua hợp đồng. Điều này để phân biệt với các trường hợp giữa các bên không có quan hệ vay mượn nhưng người phạm tội đã dùng thủ đoạn để ép buộc nạn nhân ký giấy vay tiền hoặc ký xác nhận trả lãi khoản vay nặng lãi trước đó, thì đây là hành vi chiếm đoạt chứ không nguyên nghĩa là hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nữa.
Thứ hai, cụ thể hóa các dấu hiệu định tội, định khung hình phạt tại điều 201 BLHS 2015 như sau :
“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Trong khi đó khoản 1 điều 163 của BLHS năm 1999 chỉ quy định rất mơ hồ: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.”
Thứ ba, lượng hóa mức phạt tiền nhằm thuận tiện cho việc áp dụng :
So với BLHS 1999, BLHS 2015 đã cụ thể hóa các tình tiết định tính như “có tính chất chuyên bóc lột” bằng dấu hiệu thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. “Thu lợi bất chính lớn” được cụ thể hóa bằng thu lợi từ 100.000.000 đồng trở lên.
Thứ tư, Khoản 3 Điều luật này đã làm rõ mức tiền phạt đối với hình phạt bổ sung, theo đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 triệu đồng (trước đây, mức phạt tiền là từ 01 đến 05 lần số lợi thu bất chính); cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.