Tình huống: Doanh nhân Nguyễn Xuân Điệp đã sáng tạo ra nghệ thuật điêu khắc trên kính và sản xuất tranh kính nghệ thuật cho các công trình xây dựng, lấy tên là tranh Xuân Điệp. Vì ông Điệp là người đầu tiên nghĩ ra công nghệ này nên ông Điệp sợ rằng khi đưa ra thị trường, sẽ có nhiều doanh nghiệp khác bắt chước công nghệ và sản xuất những sản phẩm tương tự. 1. Ông Điệp phải làm gì để bảo vệ…
Tình huống: Doanh nhân Nguyễn Xuân Điệp đã sáng tạo ra nghệ thuật điêu khắc trên kính và sản xuất tranh kính nghệ thuật cho các công trình xây dựng, lấy tên là tranh Xuân Điệp. Vì ông Điệp là người đầu tiên nghĩ ra công nghệ này nên ông Điệp sợ rằng khi đưa ra thị trường, sẽ có nhiều doanh nghiệp khác bắt chước công nghệ và sản xuất những sản phẩm tương tự.
1. Ông Điệp phải làm gì để bảo vệ sáng chế trí tuệ của mình?
2. Ông Điệp cũng đang muốn xây dựng một thương hiệu riêng cho dòng tranh của mình. Ông Điệp có thể đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp dưới hình thức gì?
Luật sư trả lời:
1. Ông Điệp phải làm gì để bảo vệ các sáng tạo trí tuệ của mình ?
Theo Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”. Việc doanh nhân Nguyễn Xuân Điệp đã sáng tạo ra nghệ thuật điêu khắc trên kính được coi như một sáng chế. Chính vì vậy, Ông Điệp có thể đăng kí để được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế theo Khoản 1 Điều 58 nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
– Có tính mới: “Vì ông Điệp là người đầu tiên nghĩ ra công nghệ này”, chưa bị bộc lộ công khai.
– Có tính sáng tạo: đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng (Theo điều 61 Luật sở hữu trí tuệ)
– Có khả năng áp dụng công nghiệp: có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định (Theo Điều 62 Luật sở hữu trí tuệ).
Với việc đăng ký sáng chế, ông Điệp có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với sáng chế của mình theo quy định tại Điều 122 và 123 Luật sở hữu trí tuệ, có quyền ngăn cấm và ngăn chặn người khác sử dụng sáng chế của mình, tức là có thể ngăn chặn các doanh nghiệp khác bắt chước về công nghệ và sản xuất những sản phẩm tương tự. Văn bằng bảo hộ sáng chế có hiệu lực 20 năm kể từ ngày nộp đơn.
2. Ông Điệp đang muốn xây dựng một thương hiệu riêng cho dòng tranh của mình. Ông Điệp có thể đăng ký những hình thức gì để bảo hộ các sở hữu công nghiệp của ông khác với các sản phẩm của doanh nghiệp khác trên thị trường ?
Ông Điệp có thể đăng ký những hình thức sau để bảo hộ “tranh kính nghệ thuật” của mình:
– Có thể đi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho dòng sản phẩm tranh kính nghệ thuật của mình. Theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ thì “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Ông Điệp có thể lấy tên nhãn hiệu là Tranh kính nghệ thuật Xuân Điệp (nhấn mạnh việc ông là người có độc quyền sáng chế đối với sản phẩm này) và thiết kế nhãn hiệu dưới dạng đồ họa, có khả năng phân biệt, không mang tính chất lừa dối, gian lận hay có những dấu hiệu trái với đạo đức xã hội.
– Có thể đi đăng ký bảo hộ tên thương mại để thực hiện các hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Theo Điều 21 Luậ sở hữu trí tuệ: “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Tên thương mại có thể trùng với tên nhãn hiệu để tạo nên khả năng phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm tương tự khác ngoài thị trường, đồng thời nhấn mạnh đến việc độc quyền sáng chế sản phẩm mang thương hiệu của ông Điệp.