Xây dựng nhà ở là nhu cầu thiết yếu của con người. Việc xây dựng cần phải xin cấp giấy phép xây dựng và được cấp phép không chỉ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong quá trình xây dựng mà còn là cơ sở để nhà nước thực hiện quản lý về xây dựng, đồng thời tạo điều kiện kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về xây dựng. Việc…
Xây dựng nhà ở là nhu cầu thiết yếu của con người. Việc xây dựng cần phải xin cấp giấy phép xây dựng và được cấp phép không chỉ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong quá trình xây dựng mà còn là cơ sở để nhà nước thực hiện quản lý về xây dựng, đồng thời tạo điều kiện kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về xây dựng. Việc xây dựng cần phải tuân thủ các quy định pháp luật về quy hoạch và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Hiểu rõ tầm quan trọng của việc tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật hiện hành về việc xin cấp giấy phép xây dựng đối với các cá nhân, tổ chức và hộ gia đình có nhu cầu xây dựng, Công ty Luật Newvision xin gửi tới quý khách hàng và bạn đọc bài viết dưới đây để cung cấp cái nhìn tổng quan về vấn đề này.
Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng
1.Những công trình xây dựng cần phải xin giấy phép xây dựng
Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Trừ các trường hợp công trình được miễn giấy phép xây dựng sau đây: (Điều 89 – Luật Xây dựng năm 2014)
– Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
– Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;
– Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;
– Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;
– Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;
– Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;
– Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
– Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;
– Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;
2. Thẩm quyền xin cấp giấy phép xây dựng
Nắm rõ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng giúp các cá nhân, tổ chức xác định đúng nơi mình phải nộp hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép xây dựng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng tùy thuộc vào đối tượng xin cấp giấy phép, cụ thể:
– Bộ Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp I, cấp II; công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử – văn hóa, công trình tượng đài, tranh hoành tráng được xếp hạng; công trình trên các tuyến, trục đường phố chính trong đô thị; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp cho Sở Xây dựng, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cấp giấy phép xây dựng thuộc phạm vi quản lý, chức năng của các cơ quan này.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa thuộc địa bàn do mình quản lý.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng do mình cấp.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng không thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp không đúng quy định thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp quyết định thu hồi giấy phép xây dựng.
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới gồm:
– Đơn đề nghị xin cấp giấy phép xây dựng;
– Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Bản vẽ thiết kế xây dựng;
– Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
Hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình gồm:
– Đơn đề nghị xin cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình.
– Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật.
– Bản vẽ, ảnh chụp hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình, nhà ở riêng lẻ đề nghị được cải tạo.
Điều chỉnh giấy phép xây dựng
Trong quá trình xây dựng, trường hợp có điều chỉnh thiết kế làm thay đổi một trong các nội dung dưới đây thì chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng:
– Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
– Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính;
– Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.
– Hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng gồm:
– Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng;
– Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp;
– Bản vẽ thiết kế liên quan đến phần điều chỉnh so với thiết kế đã được cấp giấy phép xây dựng;
– Báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế điều chỉnh (trừ nhà ở riêng lẻ) của chủ đầu tư, trong đó phải có nội dung về bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.
4. Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng
– Chủ đầu tư nộp trực tiếp 1 bộ hồ sơ cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng;
– Cơ quan cấp giấy phép xây dựng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, đơn vị được giao thẩm định hồ sơ xem xét hồ sơ, kiểm tra thực địa (nếu cần thiết). Cơ quan cấp giấy phép xây dựng xác định các tài liệu còn thiếu, các tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Nếu hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu thì cơ quan cấp phép thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng. Sau hai lần bổ sung, hồ sơ vẫn không đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì cơ quan cấp phép có quyền không xem xét việc cấp giấy phép và thông báo cho chủ đầu tư biết.
– Căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình có trong hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép xây dựng, cơ quan cấp phép xây dựng đối chiếu với các điều kiện được cấp giấy phép xây dựng để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng.
Cơ quan cấp giấy phép xây dựng căn cứ các quy định hiện hành và các điều kiện được cấp giấy phép xây dựng để quyết định việc cấp giấy phép xây dựng.
– Thời gian cấp giấy phép xây dựng: Đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới, bao gồm cả giấy phép xây dựng tạm, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời, thời gian không quá 20 ngày làm việc đối với công trình; 15 ngày làm việc đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị; 10 ngày làm việc đối với nhà ở nông thôn, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với trường hợp cấp lại hoặc gia hạn giấy phép xây dựng: Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp đến hạn nói trên, nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn.
– Nhận kết quả và nộp lệ phí: Chủ đầu tư tới nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trong giấy biên nhận để nhận kết quả và nộp lệ phí theo quy định khi nộp hồ sơ. Chủ đầu tư nhận giấy phép xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép xây dựng hoặc văn bản trả lời (đối với trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng).
Nếu quá thời hạn ghi trong giấy biên nhận mà cơ quan cấp phép không trả lời thì chủ đầu tư được phép xây dựng công trình theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định có trong hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép xây dựng.