Khoản 7 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng kí thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Trong giai đoạn hiện nay, tên doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở chỗ tạo nên sự phân biệt giữa các chủ thể kinh doanh trên thương trường mà trong nhiều trường hợp, tên của doanh nghiệp đã trở thành một tài sản…
Khoản 7 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng kí thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”.
Trong giai đoạn hiện nay, tên doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở chỗ tạo nên sự phân biệt giữa các chủ thể kinh doanh trên thương trường mà trong nhiều trường hợp, tên của doanh nghiệp đã trở thành một tài sản lớn, trở thành đối tượng được pháp luật bảo vệ. Chính vì vậy, bên cạnh các vấn đề về loại hình doanh nghiệp, điều kiện về chủ thể, điều kiện về ngành nghề kinh doanh, điều kiện về vốn… thì việc đặt tên cho doanh nghiệp cũng là một trong những vấn đề cần được lưu tâm. Vậy, pháp luật doanh nghiệp đã quy định vấn đề này như thế nào?
Luật doanh nghiệp 2014 quy định việc đặt tên cho doanh nghiệp phải thoả mãn một số yêu cầu nhất định đó là tên doanh nghiệp phải được viết bằng tiếng việt và không thuộc các trường hợp bị pháp luật cấm. Cụ thể:
1. Thứ nhất, tên doanh nghiệp phải được viết bằng tiếng Việt.
Theo điều 38 Luật doanh nghiệp 2014, tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm 2 thành tố theo thứ tự là loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
– Loại hình doanh nghiệp: Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “Công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; “công ty cố phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; “doanh nghiệp tư nhân” hoặc “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
– Tên riêng: phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và kí hiệu.
Đây là 2 bộ phận chính cấu thành tên của doanh nghiệp. Ngoài ra, các thành viên của doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp có thể thêm một số thành phần khác vào trong tên của doanh nghiệp như chức năng hoạt động của doanh nghiệp… Ví dụ: Công ty TNHH dịch vụ xuất, nhập khẩu Đại Phong…
2. Thứ hai, tên doanh nghiệp không thuộc các trường hợp bị cấm.
Pháp luật doanh nghiệp cấm đặt tên doanh nghiệp trong 3 trường hợp (Điều 39, Luật doanh nghiệp 2014)
– Trường hợp thứ nhất, đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng kí.
Khoản 1 Điều 17 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định: “Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đặt tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.”
“Tên trùng là tên tiếng việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng kí” (khoản 1 Điều 42 Luật doanh nghiệp 2014)
Trong khi đó, việc đặt tên có chứa đựng các yếu tố khác biệt nhưng khác biệt đó không đủ lớn, được coi là tên gây nhầm lẫn. Cụ thể, nó được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác khi tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật doanh nghiệp 2014
“2. Các trường hợp sau đây được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký:
a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;
e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.
Các trường hợp quy định tại các điểm d, đ, e và g của khoản này không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký.”
– Trường hợp thứ hai, sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp (trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó).
– Trường hợp thứ ba, tên doanh nghiệp sử dụng từ ngữ, kí hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trước kia, việc xác định như thế nào là truyền thống lịch sử, văn hoá; thuần phong mỹ tục của dân tộc là một vấn đề khó đối với cả người đăng kí doanh nghiệp và cơ quan đăng kí kinh doanh. Tuy nhiên, những vướng mắc này đã được tháo gỡ phần nào khi Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch ban hành thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL ngày 1/10/2014 hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Cụ thể điều này được quy định tại Điều 2, Điều 3 Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL