Nhà sáng chế Việt Nam khi đã nghiên cứu ra giải pháp kỹ thuật mới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp, có thể tiến hành đăng ký bằng sáng chế tại Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để đăng ký sáng chế thì thủ tục cũng không hề đơn giản, bài viết dưới đây NewvisionLaw xin tư vấn quy trình và thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế chi tiết nhất. 1….
Nhà sáng chế Việt Nam khi đã nghiên cứu ra giải pháp kỹ thuật mới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp, có thể tiến hành đăng ký bằng sáng chế tại Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Để đăng ký sáng chế thì thủ tục cũng không hề đơn giản, bài viết dưới đây NewvisionLaw xin tư vấn quy trình và thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế chi tiết nhất.
1. Khái niệm sáng chế
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm, quy trình sáng tạo do con người tạo ra nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Sản phẩm có thể là đơn hoặc đa chất, hợp chất hoặc là một vật, một bộ phận, chi tiết cụ thể.
2. Quyền đăng ký bằng sáng chế
Quyền đăng ký sáng chế trước hết thuộc về các tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình.
Nếu tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc thì sản phẩm tạo ra sẽ thuộc quyền đăng ký của tổ chức, cá nhân đó (trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác).
Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý
Những người có quyền đăng ký sáng chế có thể chuyển gia quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
3. Sáng chế được bảo hộ khi nào ?
– Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện bảo hộ sáng chế sau:
+ Có tính mới: giải pháp kỹ thuật không trùng với giải pháp kỹ thuật đã được mô tả và đã nộp cho cơ quan cấp bằng độc quyền về sáng chế hoặc giải pháp hữu ích trước đó. Trước đó giải pháp kỹ thuật này chưa bộc lộ công khai ở trong hay ngoài nước dưới hình thức sử dụng hay mô tả trong bất kỳ nguồn thông tin nào mà căn cứ vào đó người có trình độ trung bình có thể thực hiện giải pháp kỹ thuật đó.
+ Có trình độ sáng tạo: nếu giải pháp đó là bước tiến sáng tạo và cho đến ngày ưu tiên của đơn so với trình độ kỹ thuật của trong và ngoài nước, giải pháp đó không thể tạo ra một cách dễ dàng đối với người có trình độ trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
+ Có khả năng áp dụng công nghiệp: nếu căn cứ vào bản chất của giải pháp kỹ thuật được mô tả trong sáng chế, giải pháp hữu ích, có thể thực hiện được giải pháp đó trong việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm, hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và đạt được kết quả ổn định (Điều 60, Điều 61, Điều 62 Luật SHTT).
– Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu:
+ Không phải là hiểu biết thông thường,
+ Có tính mới,
+ Có khả năng áp dụng công nghiệp.
4. Cần phải làm gì trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế?
Để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc đầu tư cho việc nộp đơn, cần phải cân nhắc khả năng được cấp Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Cần tiên lượng rằng, liệu đối tượng dự định đăng ký có phải là giải pháp kỹ thuật hay không? Có thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ hay không? Liệu đối tượng dự định đăng ký có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế hay không?
Để đánh giá tính năng mới và trình độ sáng tạo của sáng chế, bạn cần tra cứu mọi nguồn thông tin có thể có để tìm ra sáng chế có bản chất kỹ thuật gần nhất với đối tượng dự định đăng ký và so sánh với giải pháp kỹ thuật của bạn.
Bạn có thể tự mình tra cứu hoặc sử dụng dịch vụ của Cục Sở hữu trí tuệ để tra cứu thông tin về sáng chế từ các nguồn sau đây:
– Công báo sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng;
– Đăng bạ quốc gia về sáng chế được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ;
– Bản mô tả sáng chế của các quốc gia thu thập được và lưu giữ tại Trung tâm Thông tin Tư liệu sở hữu công nghiệp thuộc Cục Sở hữu trí tuệ;
Để khẳng định có nên đăng ký bằng sáng chế hay không, bạn cần cân nhắc khả năng đem lại lợi ích thực sự của Bằng độc quyền. Liệu đối tượng dự định đăng ký sáng chế có tiềm năng thương mại hay không? Bản thân bạn đã có khả năng hoặc có ai sẵn sàng áp dụng đối tượng dự định đăng ký hay không? Việc áp dụng đó có mang lại lợi ích, đặc biệt là lợi ích kinh tế hay không? Liệu có đáng để đánh đổi bí mật về đối tượng tham gia đăng ký để lấy khả năng được cấp Bằng độc quyền hay không?…
Để có thể giành được độc quyền khai thác những đối tượng đăng ký thì bạn phải bộc lộ hoàn toàn bản chất của đối tượng đó. Trong khi nếu bạn có thể giữ được đối tượng trong vòng bí mật ngay cả khi sản phẩm chứa đối tượng đó được lưu hành công khai thì bạn vẫn chiếm được ưu thế cạnh tranh so với nhưng người không có bí mật đó.
5. Thành phần, số lượng hồ sơ đăng ký sáng chế
– Tờ khai đăng ký bằng sáng chế – 2 bản;
– Bản mô tả sáng chế – 2 bản, bao gồm cả hình vẽ;
– Bản tóm tắt sáng chế – 2 bản;
– Chứng từ đã nộp phí, lệ phí đăng ký bảo hộ sáng chế;
– Giấy ủy quyền (nếu ủy quyền cho người khác thực hiện);
– Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);
– Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu có);
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu có yêu cầu).
Số lượng hồ sơ: 01 bộ
*Lưu ý: Mỗi đơn đăng ký chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ và loại văn bằng bảo hộ được yêu cầu cấp phải phù hợp với đối tượng giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn;
6. Nộp đơn đăng ký sáng chế ở đâu ?
Hồ sơ đăng ký bằng sáng chế tại Việt Nam nộp tới Cục Sở hữu trí tuệ có trụ sở chính ở số 386 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội và 2 Văn phòng đại diện ở thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Người nộp hồ sơ có thể nộp theo hình thức đơn giấy hoặc nộp đơn trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
7. Trình tự thực hiện thủ đăng ký bằng sáng chế năm 2020
– Tiếp nhận đơn: Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở của Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
– Thẩm định hình thức đơn: Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.
– Ra thông báo chấp nhận hoặc từ chối đơn đăng ký sáng chế:
+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận đơn;
+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn
– Công bố đơn: Đơn được coi là hợp lệ sẽ được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp.
– Thẩm định nội dung đơn:
+ Được tiến hành khi có yêu cầu thẩm định nội dung;
+ Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp) qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
– Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được yêu càu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ và người nộp đơn nộp lệ phí đầy đủ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký Quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu trí tuệ.
8. Thời hạn giải quyết đăng ký bảo hộ sáng chế
– Thẩm định hình thức đơn đăng ký bằng sáng chế: 01 tháng từ ngày nhận đơn;
– Công bố đơn: 18 tháng kể từ ngày ưu tiên hoặc tháng thứ 2 từ ngày có yêu cầu thẩm định nội dung;
– Thẩm định nội dung: 12 tháng từ ngày có yêu cầu thẩm định nội dung hoặc ngày công bố.
9. Đăng ký bản quyền sáng chế hết bao nhiêu ?
Các khoản lệ phí đăng ký bằng sáng chế cần phải nộp để được cấp Bằng độc quyền gồm:
– Lệ phí nộp đơn đăng ký: 150.000 đồng.
– Phí thẩm định hình thức đơn đăng ký: 180.000 đồng/01 điểm bảo hộ độc lập, từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi nộp thêm: 8.000 đồng/01 trang.
– Phí công bố đơn đăng ký: 120.000 đồng
– Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000 đồng/hình.
– Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên;
– Phí tra cứu thẩm định đơn đăng ký bằng sáng chế: 600.000 đồng/01 điểm bảo hộ độc lập;
– Phí thẩm định nội dung đơn đăng ký: 720.000 đồng/01 điểm bảo hộ độc lập;
– Phí thẩm định nội dung từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi: 32.000VNĐ/01 trang
Để biết thêm thông tin chi tiết về đăng ký bằng sáng chế, quý khách hàng có thể liên hệ tới Newvision Law. Chúng tôi luôn sẵn sàng để tư vấn cho quý khách mọi vấn đề.
Gọi ngay hotline để được tư vấn trực tuyến: 1900.8698