Ngày nay, khi các nước đang hướng tới xu hướng toàn cầu hóa, tự do thương mại hóa thì việc thực phẩm được lưu thông tự do từ nước này sang nước khác ngày càng trở nên phổ biến. Thực phẩm nhập khẩu ngày càng được sử dụng nhiều, thậm chí có những mặt hàng đang dần chiếm ưu thế hơn thực phẩm trong nước.Đi kèm theo đó, an toàn thực phẩm là một vấn đề được xã hội rất quan tâm, đối với cả…
Ngày nay, khi các nước đang hướng tới xu hướng toàn cầu hóa, tự do thương mại hóa thì việc thực phẩm được lưu thông tự do từ nước này sang nước khác ngày càng trở nên phổ biến.
Thực phẩm nhập khẩu ngày càng được sử dụng nhiều, thậm chí có những mặt hàng đang dần chiếm ưu thế hơn thực phẩm trong nước.Đi kèm theo đó, an toàn thực phẩm là một vấn đề được xã hội rất quan tâm, đối với cả thực phẩm trong nước cũng như thực phẩm nhập khẩu. Pháp luật nước ta cũng có quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu. Điều 38 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối thực phẩm như sau:
Các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói và chứa đựng thực phẩm nhập khẩu đều phải tuân thủ các điều kiện tương ứng về điều kiện chung; điều kiện với thực phẩm tươi sống; điều kiện đối với thực phẩm đã qua chế biến; đối với thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; đối với thực phẩm chức năng; đối với thực phẩm biến đổi gen; đối với thực phẩm đã qua chiếu xạ; đối với phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm và cần đáp ứng cả các điều kiện sau đây:
– Phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi nhập khẩu. Thủ tục công bố được quy định trong Luật An Toàn thực phẩm 2010, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều luật an toàn thực phẩm và Thông tư 19/2012/TT-BYT hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
– Phải được cấp bản Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu đối với từng lô hàng thực phẩm nhập khẩu của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
Ngoài các điều kiện trên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tế.
Trong trường hợp Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu thì áp dụng theo thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cũng đã ban hành nhiều quy định nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng thực phẩm nhập khẩu như Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, trong đó có các quy định chặt chẽ về những yêu cầu đối với thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc thực vật; đăng ký xuất khẩu và kiểm tra tại nước xuất khẩu; kiểm tra, lấy mẫu và xử lý các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Như vậy, vì thực trạng an toàn thực phẩm như hiện nay nên Nhà nước không chỉ kiểm soát đối với thực phẩm trong nước, thực phẩm xuất khẩu mà còn đối với cả thực phẩm nhập khẩu. Với những quy định trên, nước ta phần nào đảm bảo được sự an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu.
Video tư vấn thủ tục cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm