Xăng dầu là một trong những mặt hàng có sự ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Do đó, việc kinh doanh xăng dầu được Nhà nước quản lý chặt chẽ. Thương nhân muốn kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bắt buộc phải được cấp Giấy phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đây là những quy định về thẩm quyền, hồ sơ và trình tự cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Theo quy…
Xăng dầu là một trong những mặt hàng có sự ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Do đó, việc kinh doanh xăng dầu được Nhà nước quản lý chặt chẽ. Thương nhân muốn kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bắt buộc phải được cấp Giấy phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đây là những quy định về thẩm quyền, hồ sơ và trình tự cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thì:
Về thẩm quyền cấp phép:
Bộ Công Thương có thẩm quyền cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi và cấp lại Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho thương nhân có đủ các điều kiện kinh doanh mặt hàng này.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bao gồm:
– Đối với trường hợp cấp mới Giấy phép, hồ sơ gồm:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (theo mẫu);
+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Bản kê cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh xăng dầu, có kèm theo các tài liệu chứng minh;
+ Danh sách các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu, danh sách tổng đại lý và đại lý thuộc hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân, có kèm theo các tài liệu chứng minh.
– Đối với trường hợp cấp bổ sung, sửa đổi Giấy phép:
Trường hợp có thay đổi các nội dung của Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Bộ Công Thương đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy phép. Hồ sơ gồm:
+ Đơn đề nghị cấp bổ sung, sửa đổi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (theo mẫu);
+ Bản gốc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đã được cấp;
+ Các tài liệu chứng minh yêu cầu bổ sung, sửa đổi.
– Đối với trường hợp cấp lại Giấy phép:
Trường hợp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bị mất, bị cháy, bị tiêu hủy dưới hình thức khác, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Bộ Công Thương đề nghị cấp lại Giấy phép. Hồ sơ gồm:
+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (theo mẫu);
+ Bản gốc hoặc bản sao Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (nếu có).
Trường hợp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hết hiệu lực thi hành, thương nhân phải lập hồ sơ như đối với trường hợp cấp mới và gửi về Bộ Công Thương trước 30 ngày trước khi Giấy phép hết hiệu lực.
Trình tự cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu:
– Thương nhân gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Công Thương.
– Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.
– Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thời hạn của Giấy phép :
Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có thời hạn hiệu lực là 05 năm kể từ ngày cấp mới.
Thu hồi Giấy phép:
Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp sau:
– Thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong thời gian 01 quý (3 tháng) trở lên;
– Thương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật;
– Thương nhân không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định ;
– Thương nhân không dự trữ xăng dầu theo đúng quy định;
– Thương nhân vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm quy định về bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường;
– Và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.