Tàu hỏa đâm ô tô gây tai nạn : Tài xế xử phạt 15 năm tù ?
Cập nhật 25/10/2016 09:02
Nếu người tham gia giao thông ô tô gây tai nạn và không thiệt mạng vi phạm pháp luật theo Luật giao thông đường bộ thì người tài xế này sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 7-15 năm tù. Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 7 người thương vong ở Thường Tín (Hà Nội), Phóng viên chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Văn phòng Luật sư Newvision Law…
Nếu người tham gia giao thông ô tô gây tai nạn và không thiệt mạng vi phạm pháp luật theo Luật giao thông đường bộ thì người tài xế này sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 7-15 năm tù.
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 7 người thương vong ở Thường Tín (Hà Nội), Phóng viên chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Văn phòng Luật sư Newvision Law về các vấn đề pháp lý trong vụ việc này
Luật sư cho biết vụ tai nạn giao thông giữa tàu hỏa và ô tô 5 chỗ xảy ra sáng 24/10 tại Thường Tín, Hà Nội đã làm 7 người thương vong và là một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, vụ này có dấu hiệu của hành vi vi phạm quy định về điều khiển những phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, để khởi tố vụ án, khởi tố bị can với người gây tai nạn giao thông thì cơ quan điều tra cần làm rõ lỗi của người tham gia giao thông. Nếu người điều khiển chiếc xe 5 chỗ trên không tuân thủ các quy định tại Điều 23, Luật giao thông đường bộ sau đây thì mới có thể bị xử lý hình sự:
“Điều 23. Đi trên đoạn đường bộ giao cắt đường sắt
- Tại nơi giao căt giữa đường bộ và đường sắt phải có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, có chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại ở phần đường dành cho mình và phải có khoảng cách rào an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
- Tại nơi giao giữa đường bộ và đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu có màu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất, khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc chuông báo hiệu đã ngừng mới được đi qua.
- Tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải chủ động quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện giao thông đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.
- Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng ngay tại nơi giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trong phạm vi an toàn đường sắt thì người điều khiển phương tiện phải phải nhanh chóng đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.
- Những người có mặt tại nơi có phương tiện tham gia giao thông bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao cắt đường sắt có trách nhiệm giúp đỡ người điều khiển đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.”.
Nếu người lái xe ô tô 4 chỗ trên không thiệt mạng và có một trong các hành vi vi phạm quy định tại Điều 23 Luật giao thông đường bộ (Quy tắc giao thông đường bộ) nêu trên thì người này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 3, Điều 202 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù. Đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình các nạn nhân bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí chăm sóc phục hồi chức năng, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút với những người bị thương… Đối với những người thiệt mạng thì phải bồi thường tiền chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho người mà người chết có nghĩa vụ cấp dưỡng. Ngoài ra, còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định tại Điều 609, Điều 610 và Điều 623 Bộ luật dân sự.
Luật sư Tuấn cũng phân tích thêm về trường hợp chiếc xe ô tô 4 chỗ mà trong xe lại chở tới 7 người thì theo quy định của pháp luật hiện hành, tài xế xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trên mỗi người vượt quá.
Việc xử phạt người điều khiển xe ôtô có hành vi chở khách quá số người được phép chở của phương tiện được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 107/2014 của chính phủ (sửa đổi khoản 2 Điều 23 Nghị định 171/2013/NĐ – CP – Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) như sau: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định.