CÂU HỎI: 1. Nếu Công ty chứng khoán (CTCK) chỉ mới được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận về nguyên tắc thành lập mà đã bán cổ phần ra bên ngoài, sau đó không được thành lập do cổ đông sáng lập không tiếp tục góp vốn nữa thì số cổ phần đã được bán đó sẽ được định đoạt như thế nào? 2. Nếu Công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ không đáp ứng được yêu cầu về vốn…
CÂU HỎI:
1. Nếu Công ty chứng khoán (CTCK) chỉ mới được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận về nguyên tắc thành lập mà đã bán cổ phần ra bên ngoài, sau đó không được thành lập do cổ đông sáng lập không tiếp tục góp vốn nữa thì số cổ phần đã được bán đó sẽ được định đoạt như thế nào?
2. Nếu Công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ không đáp ứng được yêu cầu về vốn điều lệ theo Nghị định số 58/2012/NĐ-CP (Nghị định số 58) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật chứng khoán thì giải quyết như thế nào, xử phạt ra sao?
Quy định về việc bán số cổ phần trong công ty chứng khoán
LUẬT SƯ TƯ VẤN:
1. Định đoạt số cổ phần đã được bán
Khoản 2 Điều 62 Luật Chứng khoán quy định: “Các cổ đông sáng lập phải sử dụng nguồn vốn của chính mình để góp vốn thành lập CTCK”. Đồng thời, nếu công ty chứng khoán đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 62 Luật chứng khoán thì sẽ được Uỷ ban chứng khoán cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán (đây cùng đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Về mặt pháp lý, CTCK chỉ được bán cổ phần được quyền chào bán ra bên ngoài sau khi đã được UBCK cấp giấy phép thành lập và hoạt động (đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
Việc CTCK bán cổ phần ra bên ngoài khi công ty chưa được UBCK cấp giấy phép thành lập và hoạt động là trái với quy định trên của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp. Các giao dịch mua bán cổ phần này đều bị coi là vô hiệu, mọi quyền và nghĩa vụ của các bên được giải quyết theo nguyên tắc giải quyết giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành bằng cách các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, có nghĩa là CTCK hoàn lại cho cổ đông bên ngoài tiền đã nhận từ việc mua bán cổ phần từ cổ đông đó.
Ngoài ra cũng có thể xem xét đến mức độ lỗi của CTCK và các cổ đông có liên quan dẫn đến giao dịch dân sự vô hiệu để xác định mức độ trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại (nếu có) theo các nguyên tắc quy định trong Bộ luật Dân sự hiện hành.
2. Nếu CTCK, công ty quản lý quỹ không thực hiện quy định về vốn điều lệ mà Nghị định 58 đưa ra thì họ phải chịu những chế tài tương ứng do pháp luật chứng khoán quy định. Cụ thể như sau:
Điểm d, Khoản 1, Điều 70 Luật Chứng khoán quy định: CTCK, công ty quản lý quỹ bị đình chỉ hoạt động trong trường hợp: “Không duy trì các điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động quy định tại Điều 62 của Luật này”.
Thêm vào đó, theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 62 Luật Chứng khoán một trong những điều kiện để được Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho CTCK, công ty quản lý là: “Có đủ vốn pháp định theo quy định của Chính phủ”. Như vậy, nếu sau khi CTCK, công ty quản lý quỹ đã được UBCKNN cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán mà không đáp ứng đủ điều kiện về vốn pháp định theo quy định tại Nghị định 58 thì CTCK, công ty quản lý quỹ đó sẽ bị UBCKNN định chỉ hoạt động.
Sau khi bị đình chỉ hoạt động, nếu CTCK, công ty quản lý quỹ vẫn không khắc phục được việc đáp ứng đủ điều kiện về vốn pháp định theo quy định tại Nghị định 58 (theo điểm c, Khoản 2, Điều 70 Luật Chứng khoán), thì có thể bị UBCKNN thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động.
( Luật sư Công ty TNHH Newvision Law)