Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay, nhu cầu tăng vốn, mở rộng thị trường là một trong những nhu cầu cấp thiết để tăng khả năng hội nhập và cạnh tranh của doanh nghiệp. Là doanh nghiệp đặc trưng cho loại hình công ty đối vốn, CTCP có khả năng huy động vốn khá linh hoạt bằng nhiều cách khác nhau. CTCP có thể huy động vốn trong công ty cổ phần bằng những cách sau đây: 1. Chào bán cổ phần…
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay, nhu cầu tăng vốn, mở rộng thị trường là một trong những nhu cầu cấp thiết để tăng khả năng hội nhập và cạnh tranh của doanh nghiệp. Là doanh nghiệp đặc trưng cho loại hình công ty đối vốn, CTCP có khả năng huy động vốn khá linh hoạt bằng nhiều cách khác nhau. CTCP có thể huy động vốn trong công ty cổ phần bằng những cách sau đây:
1. Chào bán cổ phần
Chào bán cổ phần được hiểu là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động để tăng vốn điều lệ. Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
a) Chào bán cho các cổ đông hiện hữu:
là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty. Việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu của công ty cổ phần không phải là công ty cổ phần đại chúng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 124 Luật doanh nghiệp 2014.
b) Chào bán ra công chúng:
Là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức: Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet; Chào bán chứng khoán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định. Bao gồm chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng, chào bán thêm cổ phần hoặc quyền mua cổ phần ra công chúng và các hình thức khác. Để được chào bán cổ phần ra công chúng, Doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
– Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
– Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
– Công ty đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn một năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua (Điều 12 Luật chứng khoán).
Việc chào bán cổ phần ra công chúng được thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật có liên quan.
c) Chào bán cổ phần riêng lẻ:
là việc chào bán cổ phần hoặc mua cổ phần trực tiếp và không sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet cho một trong các đối tượng sau: các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dưới một trăm nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Điều kiện, trình tự, thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, Luật chứng khoán, Nghị định 58/2012/NĐ-CP, Nghị định 60/2015/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Phát hành trái phiếu
Trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả cả gốc, lãi và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp với chủ sở hữu trái phiếu. Trái phiếu thực chất là một hợp đồng vay để tang vốn vay của công ty. Trong quá trình hoạt động, CTCP có quyền phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn cho kinh doanh. Công ty cổ phần có thể phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty (khoản 1 Điều 127 Luật doanh nghiệp 2014). Hội đồng quản trị quyết định loại trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu và thời điểm phát hành.
Việc phát hành trái phiếu của công ty được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thông tư số 211/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 5/12/2012.
3. Hình thức tăng vốn khác
Ngoài các hình thức huy động vốn trên, CTCP còn có thể tăng vốn bằng một số hình thức khác được ghi nhận trong điều lệ như là chuyển từ các quỹ sở hữu hoặc giữ lại lợi nhuận để chuyển thành cổ phần cho các cổ đông hoặc chuyển trái phiếu thành cổ phiếu theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và các quy định của pháp luật.