Câu hỏi; Tôi đã xa Việt Nam được 11 năm, trong thời gian qua tôi sống tại CHLB Đức, và được hưởng quyền lưu trú theo Luật cư trú của Đức, điều đáng chú ý là tại đây hoàn cảnh của tôi lúc xuất cảnh tại Việt Nam thì tôi không dùng Hộ chiếu của Nhà nước Việt Nam, với một lý do của tôi cho rằng, Hộ chiếu của Việt Nam đi đến bất kỳ nơi đâu cũng bị người ta coi thường và…
Câu hỏi;
Tôi đã xa Việt Nam được 11 năm, trong thời gian qua tôi sống tại CHLB Đức, và được hưởng quyền lưu trú theo Luật cư trú của Đức, điều đáng chú ý là tại đây hoàn cảnh của tôi lúc xuất cảnh tại Việt Nam thì tôi không dùng Hộ chiếu của Nhà nước Việt Nam, với một lý do của tôi cho rằng, Hộ chiếu của Việt Nam đi đến bất kỳ nơi đâu cũng bị người ta coi thường và bị kiểm tra nghiêm ngặt. Trước đây, tôi vẫn có quốc tịch Việt Nam. Từ đó đến nay tôi không hề về nước, nay tôi xin đặt một câu hỏi với luật sư rằng: trong hoàn cảnh của tôi thì đến nay quốc tịch của tôi tại Việt Nam có còn hay đã mất rồi. Trong lúc này thì Hộ chiếu của tôi do CHLB Đức cấp chỉ là thường trú thôi, không phải là quốc tịch Đức, tôi mong được luật sư trả lời. Xin chân trọng kính chào.
(Chu Thái Bạch – Berlin, Đức; Email: vetinhdulich@yahoo.com)
Trả lời:
Chào bạn, về vấn đề của bạn, căn cứ vào Luật quốc tịch và các văn bản pháp luật có liên quan chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn cho bạn như sau:

Lâu năm không về nước quốc tịch Việt Nam có còn không?
Theo Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì một công dân Việt Nam sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam khi có một trong các căn cứ sau đây:
– Được thôi quốc tịch Việt Nam
– Bị tước quốc tịch Việt Nam
– Bị mất quốc tịch Việt Nam
– Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 và Điều 35 Luật quốc tịch
– Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, nếu bạn chưa xin thôi quốc tịch, không thuộc trường hợp bị tước quốc tịch hay đương nhiên mất quốc tịch khi xin nhập quốc tịch khác (theo quy định của pháp luật nước đó hoặc điều ước quốc tế có liên quan) thì bạn sẽ không thuộc vào trường hợp bị mất quốc tịch Việt Nam.
Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định:
“1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam”.
Như vậy, sẽ có những trường hợp như sau:
Trường hợp bạn chưa bị mất quốc tịch Việt Nam trước ngày 01/07/2009 và vẫn còn giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của mình thì theo quy định của pháp luật Quốc tịch bạn sẽ đương nhiên vẫn còn quốc tịch Việt Nam mà không cần thực hiện các thủ tục đăng ký giữ quốc tịch.
Các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam bao gồm một trong các giấy tờ sau: Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện được rõ người đó có quốc tịch Việt Nam thì phải có thêm giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 11).
Trường hợp bạn chưa bị mất quốc tịch Việt Nam nhưng không có bất kì giấy tờ (đã nêu trên) nào để chứng minh về việc mang quốc tịch Việt Nam thì bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam. Điều 18 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP được sửa đối, bổ sung bởi Nghị định 97/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính Phủ quy định cụ thể vấn đề này như sau:
“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, nếu có yêu cầu thì đăng ký với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này (sau đây gọi là Người yêu cầu xác định quốc tịch).
- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện), nơi Người yêu cầu xác định quốc tịch đang thường trú, thực hiện tiếp nhận và giải quyết yêu cầu xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam.
Trường hợp Người yêu cầu xác định quốc tịch cư trú tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không có Cơ quan đại diện thì nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất”.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi đối với trường hợp của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn chúng tôi. Chúc bạn và gia đình sức khoẻ.
Chuyên viên Nguyễn Vinh
Trân trọng!