Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, có hiệu lực từ ngày 25/12/2014 thay thế Nghị định 105/2009/NĐ-CP đã khắc phục được nhiều vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, bổ sung thêm các hành vi vi phạm mới như: – Tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh…
Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, có hiệu lực từ ngày 25/12/2014 thay thế Nghị định 105/2009/NĐ-CP đã khắc phục được nhiều vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, bổ sung thêm các hành vi vi phạm mới như:
– Tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở (Điều 15).
– Tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở mà không đủ điều kiện (Điều 16).
– Tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê mà không đủ điều kiện (Điều 17).
– Tự ý bán mua tài sản gắn liền với đất được nhà nước cho thuê thu tiền đất hằng năm mà không đủ điều kiện (Điều 18).
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng trên thực tế cho thấy Nghị định 102/2014/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số bất cập mới, như:
Thứ nhất: Nghị định 102/2014/NĐ-CP chưa quy định đầy đủ các trường hợp lấn, chiếm đất theo mục đích sử dụng được quy định tại Điều 10, Luật Đất đai 2013. Cụ thể, theo Điều 10 Luật đất đai 2013, đất đai được phân thành 03 nhóm: Đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp; và đất chưa sử dụng (gồm những loại đất chưa xác định được mục đích sử dụng, do UBND cấp xã quản lý). Quy định về hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng để xây dựng nhà ở, ki ốt và các công trình khác (trong đó có công trình tôn giáo). Trong khi đó, Điều 10, NĐ 102 cũng chưa quy định xử lý đối với hành vi này, do đó khi thực hiện hành vi này thì không có căn cứ để xử lý.
Bên cạnh đó, đối với hành vi lấn, chiếm đất tại các địa phương hầu hết vi phạm tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 10, NĐ 102, các hành vi này đều thuộc thẩm quyền xử phạt tiền của Chủ tịch UBND cấp xã. Tuy nhiên, về biện pháp khắc phục hậu quả thì Chủ tịch UBND các xã chỉ có thẩm quyền “Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm” mà không có thẩm quyền “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm”. Do đó, hành vi vi phạm này không được xử lý triệt để, hoặc đã có tình trạng các UBND cấp xã đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý mà đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý hành vi nêu trên.
Lấn chiếm đất đai trước ngày Luật đất đai có hiệu lực ngày 01/7/2014 thẩm quyền xử lý thuộc UBND cấp quận/huyện trở lên, biện pháp duy nhất là Thu hồi đất. Thậm chí đất công ích do xã quản lý cho thuê muốn chấm dứt thì UBND cấp tỉnh phải đứng ra thu hồi đất. Theo trình tự thủ tục Thu hồi đất theo Điều 66 – Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND cấp quận/huyện trở lên chỉ đạo UBND cấp dưới (xã/phường) xử lý phần tài sản trên đất. Khi nhận được chỉ đạo và có Quyết định & Thông báo thu hồi đất thì các Quyết định xử phạt hành chính theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP mới phù hợp với quy định pháp luật.
Lấn chiếm đất đai từ thời điểm Luật đất đai có hiệu lực sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP để xử lý. Việc thu hồi đất tùy theo loại đất lấn chiếm có thể tiến hành song song và hoặc độc lập với xử phạt hành chính.
UBND xã/phường, UBND quận/huyện dễ vướng sai lầm trong trường hợp khi xử lý đất lấn chiếm khi chưa có chỉ đạo của UBND cấp trên, chưa có Quyết định và Thông báo thu hồi đất mà đã tiến hành xử phạt hành chính.
Thứ hai, tại khoản 3 Điều 12, Luật Đất đai 2013 quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích”.
Đối với hành vi trên được Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định cụ thể việc xử lý tại các Điều 6, 7, 8 và 9. Tuy nhiên, qua thực tế áp dụng cho thấy, có nhiều trường hợp đất bị sử dụng không đúng mục đích (sau khi đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất), nhưng không có chế tài để xử lý như: trường hợp người được giao đất, cấp GCN QSD đất để xây dựng nhà ở, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất được cấp GCN QSDĐ, loại đất ở, nhưng không xây nhà ở mà lại xây nhà thờ, đặt tượng Phật… trên diện tích đất nêu trên. Trong trường hợp này, Nghị định 102/2014/NĐ-CP không quy định việc xử lý vi phạm đối với hành vi này, do đó, không có cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính dù đã có hành vi vi phạm quy định tại Điều 12, Luật Đất đai 2013.
Điểm a, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: “Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm”. Trong trường hợp như đã nói ở trên, do không có chế tài xử lý vi phạm hành chính nên không thể xử phạt vi phạm hành chính, không thể thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích đã được Nhà nước giao. Do đó, khi có hành vi vi phạm, địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong quá trình xử lý vụ việc.