CÂU HỎI: Chào luật sư, tôi tên là Nguyễn Văn Long hiện đang sống tại Cầu Giấy – Hà Nội. Hiện nay tôi đang có một vấn đề cần được luật sư tư vấn như sau: Tôi đang có ý định thành lập một doanh nghiệp để tiến hành kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm nội thất. Tôi chỉ có ý định mở một mình và không muốn chung chủ với bất kỳ ai khác. Vậy luật sư có…
CÂU HỎI: Chào luật sư, tôi tên là Nguyễn Văn Long hiện đang sống tại Cầu Giấy – Hà Nội. Hiện nay tôi đang có một vấn đề cần được luật sư tư vấn như sau: Tôi đang có ý định thành lập một doanh nghiệp để tiến hành kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm nội thất. Tôi chỉ có ý định mở một mình và không muốn chung chủ với bất kỳ ai khác. Vậy luật sư có thể tư vấn cho tôi loại hình doanh nghiệp mà tôi nên thành lập được không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
TRẢ LỜI:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi thắc mắc đến NewvisionLaw, đối với vấn đề này, chúng tôi xin được tư vấn cho bạn như sau:
Theo Luật doanh nghiệp 2014, có rất nhiều loại hình doanh nghiệp cho bạn lựa chọn để bắt đầu công việc kinh doanh. Tuy nhiên, theo yêu cầu của bạn là chỉ muốn một mình thành lập doanh nghiệp hay nói cách khác chỉ mình bạn là chủ sở hữu của doanh nghiêp đó cho nên theo Luật doanh nghiệp 2014 bạn có thể lựa chọn thành lập một trong 2 loại hình doanh nghiệp là Doanh nghiệp tư nhân hoặc Công ty TNHH 1 thành viên.
– Doanh nghiệp tư nhân (DNTN): là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
– Công ty TNHH 1 thành viên: là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Ưu điểm chung nếu bạn thành lập 2 loại hình doanh nghiệp này đó là do chỉ có một chủ sở hữu duy nhất nên bạn sẽ hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp mà không phụ thuộc vào người khác như các loại hình doanh nghiệp còn lại.
Cụ thể:
– Khi quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân, bạn có thể dễ dàng nhận được sự tin tưởng của khách hàng hơn do chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của chủ sở hữu DNTN, tuy nhiên đây cũng là một rủi ro lớn khi bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của bạn chứ không giới hạn số vốn mà bạn đã đầu tư vào doanh nghiệp. Ngoài ra, pháp luật quy định doanh nghiệp tư nhân thì không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào; không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Ngoài ra, pháp luật còn quy định:“Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một DNTN. Chủ DNTN không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.DNTN không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần” (Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014). Đây cũng là một điểm hạn chế khi bạn quyết định thành lập DNTN.
– Ngược lại với loại hình DNTN, khi thành lập công ty TNHH 1 thành viên có ưu điểm là chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn từ đó hạn chế phần nào rủi ro mà bạn có khả năng phải gánh chịu. Tuy nhiên, chính vì điều đó nên loại hình công ty này khó giành được sự tin tưởng của đối tác hơn so với DNTN.
Mỗi loại hình doanh nghiệp có những ưu điểm và hạn chế riêng, với những thông tin đã cung cấp chúng tôi hi vọng bạn sẽ lựa chọn được một loại hình doanh nghiệp phù hợp với mong muốn cũng như điều kiện thực tế của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty tư vấn của chúng tôi.
Trân trọng!