Mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội sang tỉnh 3 tỉnh lân cận
Cập nhật 08/10/2018 11:11
Theo các cơ quan thông tin đại chúng. Trong tháng 3 vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và 3 tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình họp bất thường ra Nghị quyết nhất trí với chủ trương mở rộng địa giới Thủ đô. Theo phương án mà Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ. Theo phương án này, thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ có diện tích 3.324,92km2 với dân số gần 6 triệu người. Diện tích Thủ…
Theo các cơ quan thông tin đại chúng. Trong tháng 3 vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và 3 tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình họp bất thường ra Nghị quyết nhất trí với chủ trương mở rộng địa giới Thủ đô. Theo phương án mà Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ. Theo phương án này, thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ có diện tích 3.324,92km2 với dân số gần 6 triệu người. Diện tích Thủ đô Hà Nội mới sẽ bao gồm toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Hiện nay thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên 920,7km, với dân số 3,4 triệu người, gồm 14 đơn vị hành chính trực thuộc 9 quận, 5 huyện. Với quy mô hiện tại, Hà Nội được ví như đang “khoác chiếc áo quá chật”, khó có thể đảm bảo được các điều kiện đáp ứng yêu cầu quy hoạch phát triển lâu dài, bền vững.
Tôi xin được hỏi:
Tại sao huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của tỉnh Hòa Bình sáp nhập về Hà Nội nhưng việc sáp nhập này lại do HĐND hai tỉnh đó ra Nghị quyết “nhất trí” mà không phải do HĐND huyện Mê Linh và HĐND các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung ra Nghị quyết? Để hoàn tất mở rộng địa giới Thủ đô, còn cần phải làm những gì nữa?
Mai Thanh Bình
Khu bán đảo Linh Đàm, TP Hà Nội
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Luật sư TGS xin được trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Nội dung trả lời về mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội
- Vấn đề ông nêu được quy định tại Hiến pháp nước CHXHCNVN và các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta. Theo đó, điều 84 Hiến pháp quy định Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn “quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Tuy nhiên, trước khi Quốc hội ra Nghị quyết về điều chỉnh địa giới thủ đô Hà Nội, các bước tiến hành phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
- Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh “thông qua đề án thành lập mới, nhập, chia và điều chỉnh địa giới hành chính để đề nghị cấp trên xem xét, quyết định”, mà không quy định nhiệm vụ, quyền hạn đó đối với HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã. Riêng HĐND cấp huyện được “thông qua đề án thành lập mới, nhập, chia và điều chỉnh địa giới hành chính” (theo khoản 5 điều 25 Luật Tổ chức HĐND và UBND) nhưng luật cũng lưu ý rằng việc này chỉ tiến hành trong phạm vi “ở địa phương” huyện đó mà thôi. Do vậy, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và HĐND 3 tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình họp bất thường ra Nghị quyết nhất trí với chủ trương mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội là phù hợp với quy định của pháp luật. HĐND huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và HĐND các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc tỉnh Hòa Bình) không ra Nghị quyết về vấn đề này cũng đúng, vì pháp luật không quy định HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã có nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực điều chỉnh địa giới sáp nhập địa phương mình vào một tỉnh hoặc thành phố khác trực thuộc TW.
- Để hoàn tất mở rộng địa giới Thủ đô, còn cần phải làm những gì?
Theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản hướng dẫn: Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội và 3 tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình nhất trí chủ trương mở rộng địa giới Thủ đô sẽ được chuyển tới Bộ Nội vụ để cơ quan quản lý nhà nước này báo cáo, trình Chính phủ xem xét trước khi Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo quy định tại điều 16 Luật Tổ chức Chính phủ về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực tổ chức hệ thống hành chính nhà nước.
- Dự kiến việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội sẽ được Chính phủ trình Quốc hội khóa XII xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 6 tới. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007: trước khi đưa vấn đề này ra xem xét tại kỳ họp của Quốc hội, Uỷ ban pháp luật của Quốc hội sẽ chủ trì thẩm tra “đề án thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”; và Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tham gia với Uỷ ban pháp luật thẩm tra đề án này./.