Luật sư cho biết, nếu sư Toàn không hề có tài sản thừa kế, không kinh doanh gì trong thời gian tu tập mà có sinh lời, tài sản mua bằng tiền cúng dường, tiền công đức của Phật tử, thì số tiền đó thuộc về sư Toàn hay của chùa? Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Theo quy định của pháp luật thì các nhà tu hành…
Luật sư cho biết, nếu sư Toàn không hề có tài sản thừa kế, không kinh doanh gì trong thời gian tu tập mà có sinh lời, tài sản mua bằng tiền cúng dường, tiền công đức của Phật tử, thì số tiền đó thuộc về sư Toàn hay của chùa?
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Theo quy định của pháp luật thì các nhà tu hành cũng là công dân, cũng có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như những công dân khác, trong đó có quyền được sở hữu tài sản riêng, được xác lập một cách hợp pháp theo quy định tại Điều 221 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó: “Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây: 1. Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
2. Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác;
3. Thu hoa lợi, lợi tức;
4. Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến;
5. Được thừa kế;
6. Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;
7. Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này; 8. Trường hợp khác do luật quy định.”
Do đó, nếu các tài sản mà sư Toàn đề nghị được giữ lại không được hình thành từ các nguồn thu nhập hợp pháp nêu trên của cá nhân nhà sư mà được mua (hình thành) bằng tiền cúng dường, tiền công đức của Phật tử, thì các tài sản đó phải thuộc về nhà chùa và Giáo hội, không phải là tài sản cá nhân của nhà sư.
Theo luật sư, việc sư Toàn đòi giữ lại tài sản của mình có khả quan hay không, và nếu muốn đòi lại thì cần phải chứng minh rõ những bằng chứng gì ?
Thạc sĩ Luật học, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Để chứng minh các tài sản đó là tài sản riêng của mình thì sư Toàn phải cung cấp được các giấy tờ và tài liệu chứng minh các căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản hoặc các nguồn thu nhập hợp pháp của mình như: Hợp đồng hay các loại giấy tờ về việc tặng cho, thừa kế, cho vay tài sản hoặc các giấy tờ chứng minh về việc phát sinh các khoản thu nhập hợp pháp khác của mình.v.v..
Về việc đề nghị giữ lại tài sản của sư Toàn là có căn cứ hay không thì còn phải phụ thuộc vào kết quả xác minh, làm rõ nguồn gốc và tính hợp pháp của các tài sản đó của các bên có liên quan, cũng như các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Vụ việc này có lẽ đã vượt quá phạm vi quan hệ riêng giữa sư Toàn và Giáo hội mà đã trở thành một vấn đề lớn hơn rất nhiều, đó là uy tín của Giáo hội, cũng như việc quản lý và sử dụng tiền công đức, cúng tiến của người dân đã được thực hiện như thế nào? Có hay không việc trục lợi cá nhân trong quá trình này?
Các khoản tiền công đức, cúng tiến của người dân là một nguồn thu không nhỏ, thậm chí là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, việc quản lý các khoản tiền này vẫn là một lỗ hổng lớn, mỗi nơi làm một kiểu, thiếu đồng bộ và chặt chẽ, tiềm ẩn những nguy cơ tiêu cực và thất thoát rất cao. Điều đó là do chúng ta đang thiếu vắng các quy định pháp lý thống nhất và đầy đủ về vấn đề này. Chính điều này cũng sẽ tạo ra những khó khăn rất lớn trong việc xác minh, làm rõ nguồn gốc các loại tài sản liên quan đến các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như trong các vụ việc này.
Do đó, qua những vụ việc như thế này thì các cơ quan chức năng rất cần nghiên cứu và ban hành các quy định pháp lý đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ liên quan đến việc quản lý và sử dụng các khoản tiền mà người dân công đức, cúng tiến của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.