Nếu bác sĩ thực hiện gây mê không đúng quy trình làm bệnh nhân tử vong thì sẽ bị xử lý hình sự. Sáng 25.12 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức đã xảy ra vụ việc khiến 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê. Cả hai bệnh nhân này đều được sử dụng các loại thuốc giống nhau trong giai đoạn tiền mê và gây mê. Và cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm thuốc. Bà…
Nếu bác sĩ thực hiện gây mê không đúng quy trình làm bệnh nhân tử vong thì sẽ bị xử lý hình sự.
Sáng 25.12 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức đã xảy ra vụ việc khiến 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê. Cả hai bệnh nhân này đều được sử dụng các loại thuốc giống nhau trong giai đoạn tiền mê và gây mê. Và cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm thuốc.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn tới tai biến y khoa này, bước đầu chẩn đoán nghi sốc phản vệ. Tuy vậy, nguyên nhân chính xác phụ thuộc vào kết quả khám nghiệm pháp y với hai bệnh nhân này.
Hiện tại, toàn bộ hồ sơ vụ việc được giao cho cảnh sát điều tra công an quận Hai Bà Trưng xem xét giải quyết theo đúng quy định.
Trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc công ty Luật Newvision Law) đánh giá, đây là sự cố y khoa nghiêm trọng.
Theo luật sư Tuấn, nếu cơ quan điều tra xác định bác sĩ gây mê không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình được quy định trong Thông tư Hướng dẫn công tác gây mê – hồi sức (Thông tư 13/2012/TT) của Bộ Y Tế và các văn bản hướng dẫn thi hành là nguyên nhân dẫn tới 2 bệnh nhân tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm về tội “vi phạm các quy định về khám và chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc các dịch vụ y tế khác” theo quy định tại Điều 242, Bộ luật Hình sự 1999.
“Để xác định nguyên nhân 2 bệnh nhân bị tử vong, cần thiết lập Hội đồng chuyên môn giải phẫu tử thi để làm rõ nguyên nhân. Kết luận của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật”, luật sư Tuấn nói.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiêm túc làm rõ nguyên nhân 2 bệnh nhân tử vong để xử lý những người có trách nhiệm liên quan và rút ra bài học kinh nghiệm trong khám chữa bệnh.
Theo luật sư Tuấn, trong trường hợp, cơ quan điều tra kết luận, bác sĩ đã vi phạm các quy định về khám chữa bệnh thì gia đình bệnh nhân tử vong có quyền yêu cầu bệnh viện phải bồi thường thiệt hại.
“Căn cứ Điều 618, Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra thì cơ sở này phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao.
Sau khi đã bồi thường thiệt hại, cơ quan đó có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”, luật sư Nguyễn Văn Tuấn nói.