Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang được trình ra Quốc hội xem xét dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu (nam lên 65 tuổi, nữ lên 60 tuổi, tức là tăng thêm 5 năm đóng bảo hiểm xã hội) và cân bằng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ nhằm giảm áp lực lên quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên có rất nhiều ý kiến khác nhau về vẫn đề này. Quan điểm nên tăng Bảo hiểm xã hội Việt Nam…
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang được trình ra Quốc hội xem xét dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu (nam lên 65 tuổi, nữ lên 60 tuổi, tức là tăng thêm 5 năm đóng bảo hiểm xã hội) và cân bằng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ nhằm giảm áp lực lên quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên có rất nhiều ý kiến khác nhau về vẫn đề này.
Quan điểm nên tăng
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, nếu cứ duy trì mức đóng góp và mức hưởng chế độ như quy định hiện hành và số dư quỹ tính đến cuối năm 2012 (gần 250.000 tỷ đồng) thì đến năm 2023, số thu sẽ bằng số chi. Điều này dẫn tới khả năng, đến năm 2037, nếu không có chính sách hợp lý để tăng thu giảm chi thì số thu BHXH sẽ không đảm bảo khả năng chi trả hay nói cách khác là… vỡ quỹ.
Cùng quan điểm, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 cho cả nam, nữ và giảm mức chi cho lương hưu là không thể tránh khỏi nhằm mục đích đảm bảo sự bền vững tài chính lâu dài của quỹ trong 50 hoặc 100 năm tới.
Ngoài ra, trong quá trình lấy ý kiến dự thảo, có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi, ngang với nam là nhằm thể hiện quyền bình đẳng nam nữ; phù hợp với tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh ở Việt Nam hiện nay và với xu thế chung của nhiều nước trên thế giới. Trên thực tế, có nhiều lao động đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng trí óc vẫn còn rất minh mẫn, sức khỏe đảm bảo, chưa kể là họ đã tích lũy được nhiều tri thức và kinh nghiệm đủ để có thể tiếp tục công hiến ở những vị trí công việc cụ thể.
Tăng tuổi nghỉ hưu là không hợp lý
Thứ nhất, khi Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng và tỉ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ cao như hiện nay, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm mất đi cơ hội việc làm cho những người trẻ, đi ngược chính sách trẻ hóa độ tuổi lao động trong cơ cấu nhân lực. Khi tinh giảm biên chế đang được siết chặt, mà đội ngũ nhân viên không được quay vòng, thì làm sao có chỗ cho những cử nhân và kĩ sư mới ra trường.
Thứ hai, không phù hợp với tâm lý, nhu cầu, sức khỏe và thể chất của người lao động Việt Nam. Đặc biệt là người lao động trong ngành nghề dệt may, giày da, hay những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại thì phụ nữ đến 50 tuổi là họ đã không có đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc nữa. Mặt khác, thực tế cho thấy, hiện nay tiền lương hàng tháng không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người lao động, buộc họ phải làm thêm, tăng ca, làm thêm nghề phụ… dẫn đến việc công nhân trực tiếp sản xuất ở hầu hết ngành nghề đều phải làm việc quá sức.
Chưa kể đến là nhu cầu của người sử dụng lao động, hầu hết ở các doanh nghiệp, công ty khi người lao động đến ngưỡng 40 tuổi thì đã muốn tìm mọi cách để sa thải họ, tuyển dụng người mới. Thế mà bây giờ, nâng tuổi hưu lên tầm 5 năm nữa thì không biết có doanh nghiệp nào muốn sử dụng họ nữa không?
Thứ ba, lí do mà BHXH đưa ra là không công bằng với người lao động. Vấn đề khả năng vỡ quỹ phải được xem xét ở nhiều góc độ. Vỡ quỹ là do đâu? khi mà nhân lực để quản lý quỹ (cơ quan quản lý) ngày một phình to. Bộ máy quản lý ăn lương rất cao và nhiều nơi lại xây dựng nhiều trụ sở hoành tráng. Vào làm BHXH là mơ ước của rất nhiều người. Tuy nhiên chất lượng quản lý lại yếu kém, bằng chứng là tình trạng lạm dụng trục lợi gây thất thoát quỹ ốm đau, thai sản, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi và chưa được kiểm soát một cách hiệu quả…Việc vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là do không thu được bảo hiểm xã hội, năng suất lao động thấp, quản lý yếu kém, bộ máy cồng kềnh…
Vậy tại sao không giải quyết những nguyên nhân đó để nâng cao chất lượng làm việc, đưa ra phương án hợp lý mà lại đi đánh vào lợi ích chính đáng của người lao động?
Vì vậy, theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn đại diện công ty Luật Newvision cho biết ” việc tăng tuổi nghỉ hưu nên được xem xét nghiên cứu kĩ lưỡng, phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của người lao động, dư luận xã hội, cân đối với chính sách phát triển kinh tế xã hội của quốc gia” . Theo đó, chỉ nên tăng tuổi hưu ở một số nhóm công việc cụ thể như các nhà khoa học trí thức, những người có trình độ chuyên môn cao, người làm công việc quản lý…Còn đối với nhóm công việc khác thì nên giữ nguyên tuổi hưu như hiện nay.