Ghi tên người chủ mới sử dụng đất trên “sổ đỏ”
Cập nhật 26/10/2016 11:26
Tình huống pháp lý Bà Đặng Thị Bách (tổ 23, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) nêu sự việc: Ngày 13/7/2006, bà Lê Thị Khởi và ông Lưu Ngọc Hồi được UNND quận Hoàng Mai – Hà Nội cấp GCNQSDĐ (đất ở đô thị) số AĐ 635922 diện tích 28,56 m2 tại địa chỉ nêu trên. Theo Hợp đồng mua bán số 2272/2007/HĐMB được lập tại Phòng Công chứng số 6 TP Hà Nội ngày 25/7/2007, tôi nhận chuyển nhượng từ…
Tình huống pháp lý
Bà Đặng Thị Bách (tổ 23, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) nêu sự việc:
Ngày 13/7/2006, bà Lê Thị Khởi và ông Lưu Ngọc Hồi được UNND quận Hoàng Mai – Hà Nội cấp GCNQSDĐ (đất ở đô thị) số AĐ 635922 diện tích 28,56 m2 tại địa chỉ nêu trên. Theo Hợp đồng mua bán số 2272/2007/HĐMB được lập tại Phòng Công chứng số 6 TP Hà Nội ngày 25/7/2007, tôi nhận chuyển nhượng từ hai ông bà Khởi – Hồi diện tích đất này. Căn cứ vào đó, ngày 17/10/2007, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàng Mai xác nhận vào trang 4 GCNQSDĐ (phần ghi “Những thay đổi sau khi cấp GCNQSDĐ”) đứng tên người sử dụng đất – bà Lê Thị Khởi và ông Lưu Ngọc Hồi – như sau: “Đã đăng ký sang tên theo Hợp đồng số số 2272/2007/HĐMB … cho bà Đặng Thị Bách”, mà không cấp một “sổ đỏ” khác đứng tên tôi là người chủ mới. Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàng Mai làm như vậy có đúng không? Nay tôi muốn được cấp GCNQSDĐ khác chuyển từ tên ông bà Khởi – Hồi sang tên của tôi có được không? Bởi vì trên trang 4 GCNQSDĐ có ghi việc ông bà Khởi – Hồi là chủ cũ đăng ký thế chấp quyền sử dụng mảnh đất này để vay vốn ngân hàng làm cho tôi thấy không được… yên tâm !
Ý kiến của chúng tôi
Tình huống bà nêu (nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất) pháp luật gọi là một “biến động” trong qúa trình sử dụng đất; nó được thể hiện trên GCNQSDĐ nhằm giúp cho sự quản lý của nhà nước được chặt chẽ và có hệ thống. Pháp luật về đất đai không quy định cấp mới “sổ đỏ” trong tình huống này mà quy định “ghi nhận” sự “biến động” ấy trên trang 4 GCNQSDĐ đã cấp đứng tên người chủ cũ đầu tiên (theo khoản 4 điều 41 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật đất đai). Như vậy, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàng Mai đã làm đúng; đồng thời, mong muốn của bà được cấp GCNQSDĐ khác chuyển từ tên người chủ cũ sang tên của mình không có cơ sở pháp lý để giải quyết.
Trang 4 GCNQSDĐ ghi sự việc người chủ cũ thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng làm cho bà không được… yên tâm ! Tuy nhiên, chúng tôi đã kiểm tra và nhận thấy trang 4 GCNQSDĐ có ghi nhận sự việc chủ cũ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng vào ngày 27/9/2006, nhưng đồng thời cũng đã ghi nhận cả sự việc diễn ra sau đó: ngày 22/5/2007, ngân hàng đã xóa đăng ký thế chấp; có nghĩa là ở thời điểm bà nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (25/7/2007), người chủ cũ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính là điều kiện bắt buộc để họ được thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại điều 98 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ.Trên GCNQSDĐ, cả hai sự việc: đăng ký thế chấp để vay tiền ngân hàng và xóa đăng ký thế chấp đều đã được ghi nhận, được ông Nguyễn Đình Thiện, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Hoàng Mai ký xác nhận và đóng dấu cho thấy sự chặt chẽ về pháp lý. Vì vậy,bà Bách có thể hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định một số trường hợp cấp mới (cấp lại) GCNQSDĐ cho người sử dụng như khi Giấy bị ố, nhòe, rách, hư hại hoặc bị mất. Tuy nhiên, theo quyết định số 08/2006/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nội dung ghi trên Giấy được được cấp mới trong trường hợp này cũng “ghi như trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp lần đầu”./.
Luật gia, nhà báo Nguyễn Chấn