#Không ký kết HĐLĐ sau thời gian thử việc có vi phạm pháp luật không?
Cập nhật 30/06/2017 08:29
Câu hỏi: “Chào Luật sư, xin tư vấn cho em trong trường hợp sau: em ký kết hợp đồng thử việc với Công ty trong thời gian 1 tháng từ tháng 3/2017. Theo như thỏa thuận ban đầu bên nhân sự nói sẽ ký kết hợp đồng chính thức với em sau 1 tháng thử việc thành công. Nhưng đến nay đã sang tháng 6/2017 mà không thấy công ty nói gì mặc dù em vẫn đi làm bình thường và cũng nhiều lần ngỏ ý…
Câu hỏi:
“Chào Luật sư, xin tư vấn cho em trong trường hợp sau: em ký kết hợp đồng thử việc với Công ty trong thời gian 1 tháng từ tháng 3/2017. Theo như thỏa thuận ban đầu bên nhân sự nói sẽ ký kết hợp đồng chính thức với em sau 1 tháng thử việc thành công. Nhưng đến nay đã sang tháng 6/2017 mà không thấy công ty nói gì mặc dù em vẫn đi làm bình thường và cũng nhiều lần ngỏ ý với công ty nhưng công ty cũng lảng tránh và không nói gì cả. Em sợ mình bị sa thải bất cứ lúc nào. Em nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình ạ?”

Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật NewVision. Với trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn cụ thể như sau:
Căn cứ Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định về kết thúc thời gian thử việc:
“1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
2.Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.”
Như vậy chiếu theo quy định trên với những thông tin bạn cung cấp, thì sau khi hết thời gian thử việc mà bạn vẫn làm việc bình thường và có đề cập đến việc ký kết HĐLĐ chính thức mà công ty lảng tránh, chứng tỏ bạn đã tuân thủ và hoàn thành tốt những thỏa thuận giữa 2 bên trong hợp đồng thử việc nên công ty phải có nghĩa vụ giao kết hợp đồng với bạn. Do đó công ty bạn đã sai trái với quy định pháp luật.
Về vấn đề sa thải: đây là hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất trong số 3 hình thức được quy định tại Điều 125 của BLLĐ. Do đó nhà làm luật đã quy định rất cụ thể về các trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải tại Điều 126. Nếu bạn không thuộc một trong số các trường hợp đó thì công ty sa thải bạn là bất hợp pháp.