Thừa kế nhà đất do cha mẹ để lại giải quyết ra sao?
Cập nhật 08/11/2016 03:23
CÂU HỎI Ông bà nội có để lại cho bố mẹ tôi mảnh vườn. Bố mẹ tôi lấy nhau và có 4 người con trong đó có một con gái nuôi, hai con gái ruột và một con trai. Mẹ tôi mất sớm nên bố tôi đi thêm bước nữa cưới mẹ kế về. Khi mẹ kế về làm dâu thì nhà cửa, ruộng đất, đất đai đều có sẵn và tôi có thêm 3 em nữa (1 nam và 2 nữ). Một thời gian…
CÂU HỎI
Ông bà nội có để lại cho bố mẹ tôi mảnh vườn. Bố mẹ tôi lấy nhau và có 4 người con trong đó có một con gái nuôi, hai con gái ruột và một con trai. Mẹ tôi mất sớm nên bố tôi đi thêm bước nữa cưới mẹ kế về. Khi mẹ kế về làm dâu thì nhà cửa, ruộng đất, đất đai đều có sẵn và tôi có thêm 3 em nữa (1 nam và 2 nữ). Một thời gian sau thì bố tôi qua đời. Các chị của tôi thì đều đi lấy chồng xa nên hiện không sống chung với gia đình. Em trai tôi(con mẹ kế) cũng đi làm xa và lấy vợ. Bây giờ, chỉ còn vợ chồng tôi cùng sống và chăm sóc cho mẹ kế tôi (khoảng 20 năm) trên mảnh đất này. Mảnh đất này là khu vườn của bố mẹ ruột để lại và chưa có quyền sử dụng đất. Vì một vài lý do riêng nên tôi đã chuyển nhượng cho em út 1 mảnh đất nhỏ và được sự đồng ý của mẹ kế và em trai tôi với giá 30 triệu có giấy bán. Hiện giờ thì em trai tôi lại về sinh sống và đòi chia lại đất. Theo tục lệ xưa thì tôi là con trai trưởng phải thờ phụng tổ tiên nhưng theo Luật lệ hiện hành bây giờ thì mảnh đất ấy sẽ giải quyết như thế nào ? Mảnh đất này có quyền sử dụng đất đứng tên của tôi.
Xin thành thật cảm ơn!

LUẬT SƯ TƯ VẤN
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến cho công ty Luật Newvision Law chúng tôi. Đại diện công ty Luật sư Nguyễn Văn Tuấn sẽ đưa ra những nhận định về vụ việc này như sau:
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, em trai ông là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố ông (Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015). Trong trường hợp cha mẹ ông mất không để lại di chúc thì việc phân chia di sản thừa kế của cha mẹ ông sẽ được chia theo pháp luật.
Khi mẹ ông qua đời, một phần mảnh vườn này là di sản thừa kế của mẹ ông sẽ được chia làm bốn phần: ông, hai người chị và bố ông được hưởng mỗi người một phần tư di sản thừa kế này. Phần còn lại của mảnh vườn thuộc về bố ông. Tức là bố ông tổng sẽ có ¼ + ½ = ¾ giá trị mảnh vườn.
Bố ông lấy vợ thì mẹ kế, các con riêng của bố ông, ông và các chị của ông sẽ được hưởng phần di sản thừa kế là mảnh vườn của bố ông để lại. (tức là ¾ giá trị mảnh vườn)
Tuy nhiên, theo trình bày, hiện mảnh đất này đã có quyền sử dụng đứng tên ông (Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất) thì vấn đề em trai ông đòi chia đất cần phải được xem xét lại. Vì ở đây thông tin ông cung cấp chưa được đầy đủ nên chúng tôi chỉ có thể đưa ra được hướng giải quyết khái quát, chúng tôi cần ông cung cấp thêm thông tin về việc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông.
Nếu việc ông được cấp chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất đó do việc khi tiến hành kê khai cấp GCN quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền đã xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến mảnh đất và những người thừa kế không có ý kiến gì về việc chia di sản thừa kế, việc thống thất thỏa thuận đã được lập thành văn bản thì em trai ông không có quyền đòi lại đất.
Nếu không thuộc giả thiết nêu trên, theo quy định tại điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Như vậy thì em trai ông vẫn có quyền yêu cầu chia di sản là ¾ giá trị mảnh vườn của bố ông để lại.