Giao dịch về đất đai vô hiệu: pháp luật có quy định ra sao
Cập nhật 05/10/2018 08:14
Câu hỏi: Trong bài: “Chủ cũ đòi lại đất…”, đăng số 154 ngày 25/12/2007, Báo Thanh tra cho rằng ở vụ việc này, thời hiệu khởi kiện đã hết. Tuy nhiên, theo khoản 2 điều 136 Bộ Luật Dân sự: Đối với các giao dịch dân sự quy định tại điều 128 của Bộ Luật này (giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật) thì “thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu…
Câu hỏi:
Trong bài: “Chủ cũ đòi lại đất…”, đăng số 154 ngày 25/12/2007, Báo Thanh tra cho rằng ở vụ việc này, thời hiệu khởi kiện đã hết. Tuy nhiên, theo khoản 2 điều 136 Bộ Luật Dân sự: Đối với các giao dịch dân sự quy định tại điều 128 của Bộ Luật này (giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật) thì “thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không hạn chế”. Vậy trong vụ này, nếu có người yêu cầu và căn cứ khoản 2 điều 136 Bộ Luật Dân sự, Tòa án có thể xem xét và tuyên bố các giao dịch dân sự chuyển quyền sử dụng đất từ ông Quyền sang những người khác vào thời điểm năm 1986, năm 1989 có bị vô hiệu không?
Nguyễn Bảo Hanh ,số 7,Ô Quan Chưởng, Hà Nội.
Luật sư trả lời:
Tòa án có thể xem xét, giải quyết khi có người yêu cầu tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu. Xin lưu ý ông:Đây là trường hợp Tòa án “giải quyết việc dân sự” với thành phần chỉ do… một Thẩm phán giải quyết (theo khoản 2, điều 55 Bộ Luật Tố tụng dân sự) mà không phải là việc Tòa án mở phiên Tòa “xét xử vụ án dân sự”. Theo quy định tại điều 137 Bộ Luật Dân sự “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền…”. Nhưng, đối với giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất bị vô hiệu, pháp luật lại có những quy định riêng. Trong vụ “Chủ cũ đòi lại đất…” đăng số 154 Báo Thanh tra, các giao dịch dân sự chuyển quyền sử dụng đất từ ông Nguyễn Văn Quyền sang người khác đều xảy ra trước ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực nên “tự thân” những giao dịch ấy đã “vô hiệu” rồi; dù Tòa án có “tuyên bố” hay không “tuyên bố’ thì chúng vẫn… “vô hiệu”! Bởi vì, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại Nghị quyết của số 02/2004/QĐ-HĐTP: “Pháp luật thời kỳ này nghiêm cấm việc mua, bán, phát canh thu tô, chuyển nhượng đất đai dưới mọi hình thức”. Tuy nhiên, Tòa soạn xin được nhắc lại một lần nữa: đối với giao dịch chuyển quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực mà bị vô hiệu, Nhà nước ta đã có những quy định riêng. Thật vậy:
Nghị quyết của số 02/2004/QĐ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn như sau: “Chủ cũ hoặc người thừa kế của người đó không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất nếu đất đó đã được giao cho người khác sử dụng và họ đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, trừ trường hợp có căn cứ chứng minh người đang sử dụng đất đó có hành vi gian dối, lừa đảo… để được giao quyền sử dụng đất”.
Hướng dẫn nêu trên có cơ sở pháp lý vững chắc tại khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và CHXHCNVN”./.
Luật gia, nhà báo: Nguyễn Chấn
Chuyên viên cao cấp Công ty Luật TGS LawFirm