Câu hỏi: Vợ chồng tôi hiện nay đang cư trú tại CHLB Đức. Chúng tôi có một căn nhà nằm trên mảnh đất mua lại của người anh ruột (mua sau khi hai người đã kết hôn), nhưng trên Giấy chứng nhận Quyền Sở hữu nhà ở và Quyền Sử dụng đất đã được cấp chỉ có một mình tôi đứng tên chủ sở hữu và sử dụng (Không có một giấy tờ gì nêu lý do, hoặc thỏa thuận về việc một mình tôi…
Câu hỏi:
Vợ chồng tôi hiện nay đang cư trú tại CHLB Đức. Chúng tôi có một căn nhà nằm trên mảnh đất mua lại của người anh ruột (mua sau khi hai người đã kết hôn), nhưng trên Giấy chứng nhận Quyền Sở hữu nhà ở và Quyền Sử dụng đất đã được cấp chỉ có một mình tôi đứng tên chủ sở hữu và sử dụng (Không có một giấy tờ gì nêu lý do, hoặc thỏa thuận về việc một mình tôi đứng tên sổ đỏ)…
Xin hỏi luật sư là nếu tôi có quyền một mình làm hợp đồng mua bán nhà hoặc tặng, cho.. không cần sự đồng ý của vợ tôi có được hay không. Hoặc nếu tài sản là chung của 2 vợ chồng thì liệu tôi có thể bán hoặc tặng, cho một nửa phần giá trị tài sản của tôi không ? Xin Luật sư tư vấn thêm cho tôi về trường hợp này
Luật sư tư vấn
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho Công ty luật Newvision chúng tôi. Đại diện công ty Luật sư Hồ Thị Thu Hằng sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc như sau:
Theo quy định tại Điều 33 ,34 của Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực năm 2014 thì: Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung vợ chồng. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đó phải đứng tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Theo quy định tại Điều 98 – Luật Đẩt đai năm 2013 quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì: Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là tài sản chung của vợ chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người. Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là tài sản chung của vợ chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của chồng hoặc vợ thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở ghi họ, tên cà vợ và chồng nếu có yêu cầu.
Chiếu theo những quy định nêu trên thì tài sản là căn nhà mua sau khi hai người đã kết hôn là tài sản chung vợ chồng. Cho dù chỉ đứng tên một mình chồng hay đứng tên cả hai người thì trách nhiệm pháp lý là tương đương nhau. Vì vậy khi thực hiện giao dịch đều cần sự đồng ý của cả hai vợ chồng, cụ thể:
Theo quy định tại Điều 126 – Luật Nhà ở năm 2014 quy định về việc mua bán nhà ở thuộc sở hữu chung thì: Việc mua bán nhà ở thuộc sở hữu chung phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu, trường hợp một chủ sở hữu chung không đồng ý bán thì chủ sở hữu chung còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ chồng có quyền sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung kia có quyền ưu tiên mua.
Theo quy định tại Điều 137 – Luật Nhà ở năm 2014 quy định về việc tặng cho nhà ở thuộc sở hữu chung thì: Trường hợp tặng cho nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ sở hữu; Trường hợp tặng cho tài sản thuộc sở hữu chung theo phần thì chủ sở hữu chung được quyền tặng cho phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chủ sở hữu chung khác.
Vì vậy, khi bạn muốn thực hiện giao dịch bán hoặc tặng cho ngôi nhà đó thì cần phải thỏa thuận với vợ cho dù Giấy chứng nhận đứng tên của bạn hay tên của cả hai vợ chồng./.