Việc cưỡng chế thu hồi đất có đúng không
Cập nhật 20/10/2018 08:00
Câu hỏi tình huống Ngày 1/3/1980, Thủ trưởng Đoàn 69 thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ký ban hành quyết định phân phối cho bà Bùi Thị Sáp (chồng là ông Bùi Văn Luật) là công nhân của đơn vị này một căn hộ 24 m2 tại khu tập thể liên cơ quan thuộc huyện Thanh Trì (nay thuộc địa phận quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Đến nơi ở mới, hộ ông Luật san lấp trên 120 m2 đất đầm lầy,…
Câu hỏi tình huống
Ngày 1/3/1980, Thủ trưởng Đoàn 69 thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ký ban hành quyết định phân phối cho bà Bùi Thị Sáp (chồng là ông Bùi Văn Luật) là công nhân của đơn vị này một căn hộ 24 m2 tại khu tập thể liên cơ quan thuộc huyện Thanh Trì (nay thuộc địa phận quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Đến nơi ở mới, hộ ông Luật san lấp trên 120 m2 đất đầm lầy, nước đọng liền kề khu tập thể để trồng cây, làm nơi chăn nuôi nhằm cải thiện cuộc sống trong suốt mấy chục năm qua. Năm 2011, cho rằng ông Luật tự ý quây tôn phibrô xi măng trên đất nông nghiệp đã được quận giao mình quản lý, UBND phường áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị, ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình, đồng thời thu hồi mảnh đất trên 120 m2 (trong cùng một ngày 28/12/2011). Nhận thấy quyết định của chính quyền trái pháp luật, ông Bùi Văn Luật đã khởi kiện ra Tòa án quận Thanh Xuân (đã được Tòa án thụ lý), yêu cầu trả lại diện tích đất bị cưỡng chế thu hồi; yêu cầu bồi thường phần tài sản trên đất bao gồm các cây trồng, vật liệu xây dựng, vật dụng gia đình (không có tài sản nào là “công trình xây dựng”).
Ý kiến của chúng tôi
- Ông Bùi Văn Luật nói rằng, sự việc gia đình ông “dựng hàng rào” (mà chính quyền gọi là “tự ý quây tôn phibrô xi măng”) để trồng trọt, chăn nuôi đã xảy ra từ mấy chục năm nay:
Đối với tình huống này, pháp luật không cho phép áp dụng quy định hiện hành để “xử phạt” một hành vi đã xảy ra trong quá khứ mấy chục năm về trước (không cho phép “hồi tố”). Đặc biệt, các tài sản như tôn phibrô xi măng (vật liệu xây dựng), các vật dụng gia đình và cây trồng trên đất… rõ ràng đều không phải là “công trình xây dựng”, nên không có cơ sở để chính quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ “công trình xây dựng”.
- Hộ gia đình ông Bùi Văn Luậtsử dụng đất (không có giấy tờ) từ trước 15/10/1993 – ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực thi hành – thuộc trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003; nếu nhà nước (UBND cấp huyện, quận) thu hồi đất thì phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục; phải bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Quyết định của UBND phường xử phạt vi phạm hành chính trong một lĩnh vực khác – lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị – hoàn toàn không có giá trị pháp lý trong việc cưỡng chế thu hồi đất đang được hộ gia đình ông Luật sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, kể cả trong trường hợp hộ ông Luật “không có giấy tờ”. Thật vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 44, Luật Đất đai, quyết định thu hồi đất đang được hộ gia đình, cá nhân sử dụng thuộc thẩm quyền của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Năm 1980, gia đình ông bà Bùi Văn Luật – Bùi Thị Sáp cải tạo, sử dụng trên 120 m2 đất đầm lầy, nước đọng để trồng cây, chăn nuôi, có nghĩa là họ sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp từ trước ngày 15/10/1993. Nếu nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng, hộ gia đình ông Luật được hưởng quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 44 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP (“được bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng nhưng diện tích được bồi thường, hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai và khoản 1 Điều 69 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP”).
Nhà báo-Luật gia Nguyễn Chấn
Chuyên viên cao cấp Công ty Luật TGS LawFirm